Sống như người Tràng An
Khi chúng tôi đến thăm, cụ Nguyễn Thị Hiển (94 tuổi, 23 Hàng Bồ) đang giã trầu bằng chiếc cối đồng nhỏ và chiếc chày có răng nhọn để đâm nhuyễn cau rất đặc biệt. Đã 94 cái xuân xanh nhưng nét đài các, nền nã của người con gái Hà thành xưa vẫn chưa phôi phai trên gương mặt và phong thái của cụ. “Cụ vẫn giữ kiểu ăn trầu như người xưa. Cơi trầu và dao lúc nào cũng phải sạch. Miếng trầu têm phải nhỏ, chặt và đẹp, để 2-3 ngày vẫn đẹp, không mất mùi” - bà Lê Thị Chuyên, con dâu cụ Hiển, cho biết.
|
Cụ Hiển vẫn còn giữ hai cơi trầu từ hồi con gái: một cơi trầu sơn son thếp vàng, một cơi trầu khảm trai rất tinh xảo. Cụ bảo đó là kiểu cơi trầu của người phụ nữ Hà Nội xưa: mỗi cơi đều có bảy ngăn nhỏ để chứa trầu không, cau khô, cau tươi, vôi, thuốc lào... Cái ống nhổ bằng đồng đã hơn 100 năm - vốn là vật dụng của mẹ cụ ngày trước - vẫn theo bên cụ hằng ngày. Chồng cụ Hiển xưa kia buôn văn phòng phẩm với tên hiệu Chính Ký nổi tiếng Hà Nội bởi buôn bán thật thà. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, cốt cách, thần thái trong lối sống, sinh hoạt của người Tràng An vẫn phảng phất đâu đây trong từng góc nhà cụ Hiển.
“Mẹ tôi ra ngoài lúc nào cũng phải quần áo gọn gàng. Mẹ bảo không phải cứ mặc gấm vóc mới đẹp mà cần nhất là phải gọn gàng, sạch sẽ. Mình muốn trọng mình phải mặc gọn gàng. Mẹ không thích diêm dúa mà chỉ chọn những màu giản dị như màu nâu và đen. Trong tủ quần áo của mẹ vẫn còn những bộ áo dài xưa, mỗi lần đi đám cưới, đám giỗ là mẹ lại mặc” - con dâu cụ Hiển nói với ánh mắt đầy tự hào về người mẹ chồng.
Cụ Hiển vẫn làm trà hoa nhài, hoa sen theo phương pháp thủ công và bằng những bí quyết xưa. “Trà hoa sen, hoa nhài của cụ Hiển độc đáo ở quận Hoàn Kiếm, có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu chứ không thơm hắc, thơm sặc như nhiều nhài tu, sen tu có chất hóa học bây giờ. Cụ là người lâu nhất ở quận Hoàn Kiếm làm trà hoa nhài, hoa sen truyền thống” - bà Nguyễn Thị Thành, cựu tổ trưởng tổ dân phố 1, khẳng định. Quen với nếp sinh hoạt của một gia đình người Tràng An, từ khi về làm dâu, bà Chuyên đều đặn 4g sáng dậy nấu nước, pha trà cúng, phần còn lại để uống cả ngày. Rất dễ nhận thấy văn hóa ăn uống của người Tràng An trong bữa cơm hằng ngày của gia đình cụ Hiển. Khi bữa trưa của cụ Hiển dọn lên, chỉ có một đĩa rau bắp cải luộc, chén canh nhỏ, chén nước mắm con, một ít muối vừng, một khoanh trứng kho mắm, một chén cơm. Cái gì cũng nhỏ nhỏ. Cách bài trí món ăn cũng rất tinh tế.
Những gia đình như cụ Hiển ở phố cổ không nhiều. Nhưng len lỏi đâu đó trong tận ngóc ngách thiếu ánh sáng của những con ngõ quanh năm không có nắng trời, những người Tràng An hiếm hoi còn lại vẫn cố giữ lấy một Hà Nội xưa trong cuộc sống xô bồ này. Đã 90 tuổi, ông Quách Mậu Lộc (ngõ 89 Hàng Buồm) vẫn giữ lấy cái duyên viết sớ, viết chữ nho vốn theo mình từ năm 1960. Mùa lễ hội có hôm gần 1g sáng ông mới ngủ. Con cái thành đạt hết, ông vẫn cặm cụi vui vầy với những giấy đỏ, mực tàu. Không phải vì mưu sinh mà tiếc một thời “Bày mực tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua...”. “Nét văn hóa của người Hà Nội xưa quý lắm, giờ cứ mai một dần, xót lắm” - ông Lộc ngậm ngùi bảo.
Chuyện về nhà số 8 ngõ Phát Lộc
“Đây là một trong những nhà cổ nhất nhưng chật nhất phố Phát Lộc này” - anh Nguyễn Bình Minh, thế hệ thứ năm ở ngôi nhà số 8 ngõ Phát Lộc, nói. Chỉ là một số nhà nhưng có đến 11 hộ với 60 nhân khẩu. “Dòng họ nhà tôi ở đây đã bảy đời. Ông bà nội tôi có 10 người con. 10 người con ấy lấy 10 người vợ, đều ở đây rồi cứ thế sinh sôi nảy nở ra. Tất cả đều là anh em họ hàng trong một dòng tộc” - anh Minh giới thiệu.
Ngôi nhà ấy là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống người dân ở phố cổ. Cũng ngõ nhỏ, thiếu ánh sáng; cũng những căn phòng được cơi nới với những lố nhố người; cũng bể nước công cộng với lỉnh kỉnh thùng phuy, xô chậu; cũng nhà vệ sinh và nhà tắm tập thể..., người ta tận dụng từng khoảng không trống để sống. “Đến ngay cả cái bếp, chỗ phơi khăn mặt gia đình tôi còn phải để bên ngoài dưới gầm cầu thang thì chỗ đâu làm nhà vệ sinh, nhà tắm”, bà Trần Kim Thịnh - mẹ anh Minh - nói. Khoảng trống ở dưới gầm cầu thang dẫn lên những hộ bên trên được gia đình bà tận dụng làm nhà tắm, ngay cạnh bếp. “Dân số” gia đình bà Thịnh đông nhất ở số nhà này với bốn người con và 11 cháu nội, cháu ngoại.
Đông đúc. Chật chội. Chật vật chia nhau từng khoảng trống mà sống, mà thở như thế nhưng những người trong số nhà này vẫn tận dụng khoảng không có nắng trời để trồng hoa, nuôi chim và có một đời sống tinh thần rất phong phú, thú vị. Khi bước chân lên cầu thang dẫn vào phòng vợ chồng anh Minh và bên kia là nhà anh Nguyễn Gia Tiến, như bước vào một vườn hoa thu nhỏ, với nắng vàng, trời xanh, những bông hoa thắm màu rung rinh trong gió. Cây hoa giấy đỏ hồng yểu điệu ôm quấn lấy cầu thang dẫn lên phòng vợ chồng anh Minh đã hơn 20 năm tuổi. Bên kia là giàn hoa treo trước cửa nhà của anh Tiến khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Anh thợ cắt tóc ngoài ngõ này là người đầu tiên chơi chim ở phố Phát Lộc và khởi xướng phong trào chơi chim ở con phố này. Không có chỗ treo, ban ngày anh treo nhờ nhà hàng xóm, ban đêm mang vào nhà. Đoạn đường gần nhà anh lúc nào cũng ríu rít, lảnh lót tiếng chim.
“Ở nhà này yêu đời, yêu ca hát lắm. Buổi tối chúng tôi vẫn gọi nhau đi hát karaoke, toàn nhạc tiền chiến. Mẹ tôi khi còn sống lẩy Kiều, hát vọng cổ nhất ngõ, thuộc hết tên diễn viên cải lương nổi tiếng miền Nam. Cô tôi (bà Nguyễn Thị Tỉnh, 76 tuổi) lúc nào hứng lên là lẩy Kiều thì thôi rồi. Bố tôi vẫn đi chơi ghita và măngđôlin tay trái rất điệu nghệ” - anh Khôi cho biết. Anh Minh ngồi cạnh nói: “Người trong nhà vẫn gọi vui nhà mình là “làng tám”. Chúng tôi đùa như vậy vì trong nhà ai cũng tinh thần văn nghệ rất cao, biết thưởng thức cái đẹp, yêu ca hát, văn chương, hội họa... Anh Khôi nhà tôi biết diễn kịch câm, sáo dài, sáo ngắn, dạy nhảy cổ điển, hiện đại. Nghệ thuật ở Hà Nội có gì nhà này có hết: âm nhạc, điêu khắc, hội họa. Anh Hùng bán nước trà ngay trước nhà là học viên lớp đầu tiên của Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội về vẽ đấy nhé. Anh có hai cô con gái đều học Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, một cô là sinh viên ngành hội họa, một cô ngành âm nhạc đấy” - anh Minh cho hay.
Điều anh Minh tự hào không kém là không ít người trong nhà mình am hiểu về lịch sử dân tộc, khi cần có thể nói vanh vách. “Người ở nhà này sử Đinh, Lý, Trần..., bao nhiêu đời vua chúa, chuyện Trần Thủ Độ, Trần Cảnh... ra sao thuộc làu làu hết. Cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly như thế nào, thành nhà Hồ tồn tại bao nhiêu năm; vua Trần bao nhiêu đời; Bà Trưng đánh giặc năm nào... chúng tôi đều biết hết. Phóng viên hỏi thằng Dũng em họ tôi chạy xe ôm xem, nó nói sử làu làu. Từ bé chúng tôi đã đọc sử như đọc truyện. Ông bà, bố mẹ nói về lịch sử trong cả bữa ăn. Ngày đó học lịch sử rất ngắn, dễ học, không triền miên, tràn lan như giờ”, anh Minh say sưa nói. Thật bất ngờ khi anh bảo mình vốn là học sinh chuyên toán của quận Hoàn Kiếm và sau này học đại học lại theo chuyên ngành về máy móc, không liên quan gì đến nghệ thuật, lịch sử...
Theo My Lăng / Tuổi Trẻ
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 5: Cả gia đình trong 3m2
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 4: Nhà không đứng được
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 3: Ngõ siêu nhỏ
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 2: Sống trong “địa đạo”
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ
Bình luận (0)