Không có gì lạ khi Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng khởi kiện hàng loạt học viên vi phạm hợp đồng cam kết phục vụ địa phương sau khi tốt nghiệp. Đó là sự sòng phẳng cần có trong việc thực thi hợp đồng. Dù là 'nhân tài' cũng không được phép xem mình là ngoại lệ trước luật lệ cơ bản của xã hội.
Thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, lãnh đạo TP.Đà Nẵng kỳ vọng tìm ra “nhân tài” thực sự góp phần xây dựng TP phát triển - Ảnh: Hữu Trà |
Nhất là, khi bạn được kỳ vọng là “nhân tài”, bạn cần học cách cư xử cho tương xứng với giá trị. Nhưng bên cạnh sự sòng phẳng cần có, liệu Đà Nẵng có cần thêm một tầm nhìn rộng lượng?
Có lẽ nên bàn một chút về hai chữ “nhân tài” ở đây. Đề án 922 của Đà Nẵng không sử dụng cụm từ “nhân tài” mà hướng đến một nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Nhưng, như những gì vẫn hay được nhìn thấy trong thực tế có liên quan đến gọi là “chất lượng cao”, đôi khi chúng ta không thật sự biết chất lượng cao là cái gì. Đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Nhìn những con số thống kê liên quan đến Đề án 922 của Đà Nẵng có thể thấy đến tháng 7.2015, có 625 lượt học viên tham gia Đề án 922; trong đó có 397 học viên bậc đại học (163 người học trong nước và 234 người học nước ngoài), 109 học viên tham gia đào tạo sau đại học ở nước ngoài (89 thạc sĩ, 20 tiến sĩ) và 119 học viên tham gia đề án đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú. Phổ lựa chọn đầu tư của Đà Nẵng trong chương trình này theo tôi là dàn trải quá rộng, thiếu sự tập trung cần thiết ở bậc đào tạo, phản ánh một quan điểm “rộng lượng” về khái niệm “nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Học về thì phải phục vụ địa phương, điều đó là đương nhiên. Nhưng liệu Đà Nẵng có thể mở rộng khái niệm “phục vụ địa phương” theo hướng: chỉ cần các học viên sau khi tốt nghiệp quay về phục vụ trên địa bàn quê hương, không nhất thiết phải phục vụ trong cơ quan nhà nước, mà có thể phục vụ cho một doanh nghiệp chính thức trong một mạng lưới doanh nghiệp được địa phương lập danh sách chỉ định rõ ràng. Đó là những doanh nghiệp, kể cả tư nhân, có môi trường phù hợp hơn để các nhân tài đóng góp khả năng của mình, giúp nâng cao năng lực kinh tế của địa phương. Mà xét cho cùng, điều đó sẽ giúp Đà Nẵng phát triển căn cơ và lâu dài.
“Nhân tài” - họ không nên là của riêng các cơ quan nhà nước. “Nhân tài” được đào tạo bằng đồng tiền của nhân dân, nếu đền đáp lại cho việc phát triển năng lực và sức mạnh của người dân cũng là điều hợp lẽ. Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đang có những chương trình đào tạo nhân tài tương tự không chỉ cần một sự rộng lượng trong cách nghĩ, mà còn cần cân nhắc tầm nhìn đủ xa cho vấn đề phát triển nguồn lực con người của quê hương mình.
Rộng lượng không hẳn là chuyện xử lý các “nhân tài” vi phạm hợp đồng. Rộng lượng ở đây là độ mở về tầm nhìn của chính sách sử dụng nhân tài. Bài học của nhiều quốc gia có sử dụng phương thức cấp tiền học bổng để đào tạo con người đều cho thấy, sự sòng phẳng về trách nhiệm thực hiện hợp đồng là cần thiết, nhưng bên cạnh đó sự mở rộng khẩu độ của tầm nhìn chính sách sử dụng con người sau đào tạo là điều còn quan trọng hơn.
Bình luận (0)