Sống 'treo' bên mỏ sắt Thạch Khê

Phạm Đức
Phạm Đức
19/06/2022 06:40 GMT+7

Hơn 10 năm qua, hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê (H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) phải sống trong cảnh 'đi không được, ở không xong' bởi những hệ lụy mà dự án “treo” này gây ra.

Rất nhiều năm trước đây, người dân ở các xã ven biển của H.Thạch Hà đã rất mừng khi các nhà địa chất phát hiện trên địa bàn có một mỏ sắt với trữ lượng rất lớn, khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Sau nhiều năm mời các chuyên gia về khảo sát nghiên cứu, Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đồng ý cho Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2009.

Khu vực moong mỏ của dự án mỏ sắt Thạch Khê bị bỏ hoang hơn 10 năm nay

PHẠM ĐỨC

Điêu đứng vì dự án mỏ sắt

Thạch Hải là một trong 5 xã của H.Thạch Hà nằm trong vùng quy hoạch của dự án mỏ sắt. Theo kế hoạch, toàn bộ hơn 1.000 hộ dân của xã bãi ngang này phải di dời để nhường đất cho dự án. Vì nằm trong vùng quy hoạch nên xã này không được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân không được tách hộ, cấp đất ở… để chờ đền bù, di dời đến khu tái định cư. Tuy vậy, khi chủ đầu tư cho thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ thì xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật và khó khăn về tài chính. Đến tháng 11.2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động và tái cơ cấu cổ đông.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 5 xã ven biển của H.Thạch Hà với hơn 5.900 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1 ha, trong đó 741,3 ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8 ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay là gần 1.800 tỉ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản hơn 1.280 tỉ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư hơn 387 tỉ đồng.

Từ đó đến nay, số phận của dự án mỏ sắt vẫn chưa được định đoạt, khiến người dân ở trong vùng mỏ sắt rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” suốt nhiều năm qua.

Chị Nguyễn Thị Hoan (33 tuổi) ở tỉnh Bắc Giang, lấy chồng quê ở thôn Đại Hải (xã Thạch Hải) gần 10 năm qua. Sau khi cưới, vợ chồng chị phải ở chung nhà với bố mẹ chồng vì không được tách hộ, cấp đất để ra ở riêng do nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt. Đến nay, cả gia đình gồm 3 thế hệ với 12 thành viên đang sinh hoạt trong ngôi nhà có diện tích hơn 100 m2, vô cùng chật hẹp.

Ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho biết nhiều hộ dân trong xã có ruộng đất sản xuất nằm trong moong mỏ dự án mỏ sắt nên bị thu hồi, dẫn tới mất việc làm, phải tha hương kiếm sống. Cơ sở hạ tầng và nhà dân không được xây dựng, sửa chữa nên ngày càng xuống cấp. Như trụ sở của xã, mặc dù bị hư hỏng nhưng vẫn không được xây mới. Đáng nói, trung bình mỗi năm xã có từ 60 - 75 cặp thanh niên đăng ký kết hôn nhưng không được cấp đất ở.

“Đến năm 2015 tỉnh mới cho xã chúng tôi làm nông thôn mới để sửa sang cơ sở hạ tầng, nhưng việc đầu tư với quy mô rất nhỏ nên không đáp ứng được tiêu chuẩn. Cơ bản là chỉ giúp địa phương và nhân dân bớt khổ đi một chút. Hiện nay, xã chúng tôi vẫn còn 7,3% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 43 triệu đồng/người/năm. Đạt được mức thu nhập như vậy là nhờ có con em đi xuất khẩu lao động nước ngoài, chứ ở quê thì bấp bênh lắm vì không biết làm gì”, ông Lâm ngao ngán.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoan đang phải sống chung nhà với bố mẹ chồng vì không được cấp đất ở

Phạm Đức

Sẽ phát triển du lịch nếu dừng dự án

Từ nhiều năm qua, tỉnh Hà Tĩnh luôn nhất quán quan điểm chưa khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê và liên tục đề nghị Chính phủ cho dừng dự án. Trong các văn bản gửi T.Ư, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng mỏ sắt quá gần biển và chỉ cách TP.Hà Tĩnh khoảng 8 km, nếu tiếp tục khai thác sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số bộ ngành T.Ư đã về khảo sát dự án mỏ sắt Thạch Khê và tỉnh thêm một lần nữa kiến nghị với Thủ tướng sớm trình với Bộ Chính trị xem xét để đưa ra quyết định cho dừng dự án này.

“Tỉnh muốn dừng dự án này là do các yếu tố khoa học, kỹ thuật chưa cho phép. Nếu sản xuất thì phải sử dụng công nghệ cao, trong khi đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chỉ báo cáo là khai thác thô. Dự án này nằm sát biển và rất gần với TP.Hà Tĩnh, nếu sử dụng công nghệ xử lý nước thải không đảm bảo thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Đặc biệt, việc khai thác với độ sâu âm 550 m trong thời gian 52 năm sẽ gây tụt mạch nước ngầm. Với lợi ích kinh tế và môi trường thì Hà Tĩnh vẫn chọn môi trường bền vững”, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Theo vị lãnh đạo này, chủ đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê đặt vấn đề trước đây tại sao Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh đề xuất cho thực hiện dự án nhưng bây giờ lại đề xuất dừng lại? Về vấn đề này, tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy trong điều kiện các yếu tố khoa học, kỹ thuật khai thác không đảm bảo thì đề xuất dừng là hoàn toàn phù hợp. Nếu được Chính phủ đồng ý cho dừng dự án thì tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ khai thác rất hiệu quả về du lịch, dịch vụ ở khu vực dự án.

“Khu vực có dự án mỏ sắt nằm ở gần biển nên có lợi thế rất lớn để thực hiện du lịch, dịch vụ. Về lâu dài sẽ mở rộng TP.Hà Tĩnh xuống khu vực biển thuộc phạm vi dự án này vì hiện nay diện tích của TP đang rất khiêm tốn. Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư về đặt vấn đề với chúng tôi rằng họ muốn đầu tư khai thác dịch vụ ven biển nhưng với điều kiện mỏ sắt Thạch Khê dừng khai thác”, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.