Căn biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đổ sập, làm chết 2 người
và 5 người bị thương, khiến hàng ngàn người dân khác hiện sống trong
những căn nhà chờ sập, thấp thỏm, sợ hãi. Theo báo cáo thì Hà Nội hiện
có khoảng 1.600 căn biệt thự cũ, được người Pháp xây dựng hơn 100 năm
trước, đang bị cơi nới, sử dụng vô tội vạ.
Trong khi đó, ngay từ những năm 1970, các đơn vị xây dựng của Pháp đã thông báo với phía VN rằng những ngôi nhà họ xây dựng ở Hà Nội đã hết hạn sử dụng; rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ sự cố không mong muốn nào xảy ra. Chính quyền đã làm gì với cảnh báo đó? Đã làm gì để thể hiện trách nhiệm với sinh mạng của hàng ngàn hộ dân?
Sự sụp đổ căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo và tình trạng hiện nay của các biệt thự cũ cho thấy sự bế tắc trong chính sách quản lý, bảo tồn của chính quyền.
Còn nhớ, từ năm 2003, TP.Hà Nội khi đó đã lên kế hoạch rà soát, đánh giá, thẩm định danh mục biệt thự xây dựng trước 1954 để đưa vào quản lý theo đề án bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội. Nhưng hầu hết các biệt thự khi đó đã rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, chia chác sử dụng, thay đổi về công năng nghiêm trọng. Một căn biệt thự cũ được thiết kế cho một hộ sử dụng thì bây giờ trở thành nhà tập thể với vài chục hộ; mạnh người nào người ấy cơi nới, sử dụng, làm thay đổi kết cấu. Thế là chính sách vướng công năng, vướng sở hữu giẫm chân tại chỗ.
Đến năm 2013, HĐND TP.Hà Nội ra nghị quyết, trong đó nêu rõ yêu cầu việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn. Nhưng cho đến nay cũng chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào để thực hiện điều này. Và thế là, những căn biệt thự cũ - chứng tích của một giai đoạn lịch sử, một di sản văn hóa, cứ ngày một xập xệ, xuống cấp, đe dọa mạng sống con người trước sự bàng quan của chính quyền và chính những người sống trong đó.
Hà Nội phải làm gì và bắt đầu từ đâu với quỹ dinh thự, công sở và biệt thự Pháp đang là một di sản hiện hữu, góp phần làm nên vẻ đẹp riêng cho thành phố? Thứ nhất chúng ta phải thay đổi thái độ, tư duy về bảo tồn di sản; thứ hai, chí ít là có trách nhiệm thực sự với mạng sống của những người dân đang sống trong những ngôi nhà chờ sập đó. Chúng ta không thể kêu gọi bảo tồn khi không giải quyết được vấn đề lộn xộn trong sở hữu, chúng ta không thể đòi hỏi giữ nguyên trạng khi sinh hoạt của hàng ngàn người dân rơi vào cảnh tồi tệ trong các căn nhà đang xuống cấp mỗi ngày.
Bình luận (0)