Chị Nguyễn Thị Hải, một nông dân ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) cho biết: "Tôi mới bán 0,7 ha sắn thu được hơn 31 triệu đồng, cao hơn năm ngoái gần 11 triệu đồng. Nếu chịu khó ngồi băm thân cây sắn cũng sẽ kiếm được trên 1 triệu đồng/ha". Việc giá sắn giống tăng cao khiến nạn nhổ trộm sắn giống trở nên bức bối hơn bao giờ hết. Bà Nguyễn Thị Thân ở xã An Thọ (huyện Tuy An) cho biết: "Những ngày qua có rất nhiều người đến nhà tôi hỏi mua sắn nhưng tôi không bán. Từ đó đến nay, ngày nào rẫy nhà tôi cũng bị ăn trộm dù gia đình đã cắt cử người canh rẫy cả ngày lẫn đêm. Do đó, tôi không còn cách nào khác là phải bán hết rẫy sắn non".
Theo các thương lái, sở dĩ họ thu gom sắn ồ ạt bởi thị trường sắn cây giống, sắn lát ở Trung Quốc đang khan hiếm. Do đó, nếu mỗi thương lái gom đủ sắn (sắn cây hoặc sắn lát) trên mỗi chuyến xe tải khoảng 10 tấn chở ra cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), sau khi trừ chi phí, mỗi thương lái sẽ bỏ túi từ 1,5-2 triệu đồng.
Việc thương lái săn lùng cây sắn khiến hàng trăm hộ dân không còn sắn giống dự trữ dù đã chuẩn bị diện tích đất trồng mới. Theo kế hoạch, niên vụ 2010-2011 tỉnh Phú Yên trồng 12.500 ha sắn, sản lượng ước đạt 200.000 tấn. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm sắn giống hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng chung của toàn tỉnh. Ông Huỳnh Văn Đồng, Phó giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: "Những ngày qua, do tình trạng ồ ạt xuất khẩu sắn sang Trung Quốc nên nhà máy hiện đang thiếu nguyên liệu trầm trọng".
Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân lo lắng: "Tình trạng mua sắn cây như hiện nay dễ dẫn đến nguy cơ thiếu sắn giống trầm trọng. Do đó, ngành đang cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không vội vàng chặt sắn cây để bán, ảnh hưởng đến việc sản xuất, trồng trọt sắn về lâu dài".
Xuân Huy
Bình luận (0)