Sốt xuất huyết hoành hành

17/08/2010 10:06 GMT+7

(TNTS) Bước vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết lại hoành hành. Thời điểm này, nếu trẻ bị sốt cao kéo dài thì cần lưu ý chữa trị sớm, tránh để biến chứng nặng.

Báo động bệnh nhi sốt xuất huyết

Trong những ngày qua, tại hai bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP.HCM, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám và điều trị luôn đông nghẹt. Có ngày, ở mỗi bệnh viện, điều trị nội trú sốt xuất huyết lên đến 120-140 bệnh nhi, trong đó có những trường hợp bị biến chứng nặng (xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, hôn mê…). Một ngày đầu tháng 8, đến khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng 1), mặc dù đã là giữa buổi chiều, nhưng chúng tôi nhận thấy lượng bệnh nhi mắc bệnh này vẫn còn nằm chen kín trong phòng cấp cứu của khoa. Nhiều bệnh nhi phải nằm chung một giường. Trong đó có những trường hợp bị biến chứng xuất huyết gây thiếu máu phải truyền máu...

Tại buổi họp bàn biện pháp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố ngày 4.8, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã cảnh báo, tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp; trong tuần qua, bệnh không chỉ xảy ra nhiều ở các quận vùng ven, mà tấn công, gia tăng ở các quận trung tâm. Bình quân hiện nay, chỉ tính riêng số người ngụ ở thành phố, mỗi tuần có khoảng hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện. "Nếu y tế các quận huyện không khẩn trương phòng, chống bệnh, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát trong những tuần tới đây", bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cảnh báo. 

Bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra nhiều, các gia đình cần ý thức phòng, chống bệnh (để ý thay nước trong các bình hoa, hồ cá), dọn dẹp xung quanh nhà và căn phòng của bé thông thoáng, nhằm không để muỗi có điều kiện phát triển. Khi thấy trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên, và có những biểu hiện như: Than đau bụng, lạnh tay chân, lừ đừ… cần phải đưa trẻ đi khám ngay.

Các dạng sốt xuất huyết

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi (ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) bị sốt xuất huyết dạng não vào viện trong tình trạng rất nặng. Theo các bác sĩ, bệnh nhi bị sốt xuất huyết độ III, đã bị biến chứng lên thần kinh trung ương (còn gọi là sốt xuất huyết dạng não). Trước đó, ở nhà, bé có biểu hiện sốt cao 39 - 40 độ C, liên tục trong hai ngày, co giật toàn thân (mỗi lần độ 5 phút), nên được người thân đưa đi viện.

Một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhi có những chấm xuất huyết nổi trên da. Đến ngày thứ tư của bệnh, bệnh nhi mới ói nhiều, đau bụng và rơi vào sốc, rối loạn đông máu… Bác sĩ phải truyền dịch chống sốc, cho thở oxy, truyền huyết tương tươi, tiểu cầu đậm đặc, truyền máu… mới cải thiện được tình trạng bệnh.

Một trường hợp khác, bệnh nhi bị sốt xuất huyết gây biến chứng suy đa cơ quan. Đó là em L.T.Q.N (13 tuổi, cũng ở tỉnh Bến Tre) vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt xuất huyết độ III, ngày thứ 7, suy hô hấp, tổn thương gan và phổi, suy thận cấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ cho lọc máu liên tục 4 đợt, và cho chạy thận nhân tạo nhiều lần, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh… kéo dài thì mới giành lại được mạng sống cho bệnh nhi.

Trước tình hình trên, bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị y tế quận huyện tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân, và tham mưu cho UBND quận huyện để có những kế hoạch triển khai chống dịch bệnh. 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.