Iron man
Trong các phần của Người sắt được phát hành năm 2008, 2010 và 2013, Stan Lee đều sắm cho mình một vai khách mời đặc biệt. Với Iron Man (2008), huyền thoại truyện tranh siêu anh hùng đóng vai chính mình. Ông xuất hiện trong một đêm gala với ba cô gái tóc vàng, nơi “Người sắt” Tony Stark nhầm nhân vật này với Hugh Hefner, một tỉ phú người Mỹ. Phân đoạn nhỏ của phim cho thấy Stark chỉ đơn giản là chào Lee bằng câu “Ông nhìn bảnh lắm đấy Hef” và di chuyển đi nơi khác. Chuyển sang một cảnh quay tiếp theo, sau khi Stark nhận ra sai lầm của mình, Stan Lee ân cần trả lời: “Không sao, tôi bị nhầm như vậy hoài ấy mà!”.
Hai năm sau, “bố già” của Marvel tiếp tục tái ngộ khán giả với Iron man 2, trong một cảnh ngắn và lại bị Người sắt nhầm thành Larry King. Sang đến phần ba của phim được phát hành năm 2013, cựu biên tập viên truyện tranh của Marvel vào vai một giám khảo của cuộc thi sắc đẹp đang xuất hiện trên một màn hình tivi và hạnh phúc khi chấm một thí sinh 10 điểm.
|
Trong Thor (2011), Stan Lee xuất hiện cùng nhiều người tại địa điểm mà búa Mjolnir của thần sấm rơi xuống. Nhân vật của ông đã lấy xích buộc chiếc búa vào phía sau xe để kéo đi nhưng thất bại. Hậu quả là thùng sau bật ra khỏi thân xe. Tác giả khiến nhiều người phì cười khi thản nhiên quay lại và hỏi: “Nó thành công chứ?”.
Ít lâu sau, tại phần hai của phim là Thor: The dark world (2013), “ông trùm” của Marvel Comic lại xuất hiện trên màn ảnh nhưng lần này ông là một bệnh nhân tâm thần. Người này đã cho nhân vật Erik Selvig mượn chiếc giày của mình để nói về “sự hội tụ” trong ảo tưởng. Khi Selvig kết thúc phần trình bày và hỏi có ai có thắc mắc gì không, Stan Lee hồn nhiên đáp lại: “Vâng, tôi có thể xin lại chiếc giày của mình được chưa?”.
Phần ba của loạt phim về thần sấm có tên Thor: Ragnarok (2017) tiếp tục chào đón sự xuất hiện của khách mời quen thuộc. Nhà văn 95 tuổi hóa thân thành đầy tớ của Grandmaster, người đã cắt tóc của Thor. Nhân vật dí dỏm này đã dùng cây kéo đặc biệt để cắt phăng mái tóc của thầm sấm trong khi nhân vật chính đang tìm cách thoát khỏi chiếc ghế đang trói chặt mình.
Avengers
Tại The Avengers (2012), nhân vật của Stan Lee được phỏng vấn về việc các Avengers cứu Manhattan. Người này nghi ngại trả lời: “Siêu anh hùng ở New York ư? Làm ơn tha cho tôi đi”, sau đó quay trở lại bàn cờ của mình. Ông cũng xuất hiện trong một cảnh bị xóa trong phim, khi một cô hầu bàn tán tỉnh Steve Rogers (Captain America), Stan Lee hối thúc: “Hỏi số của cô ấy đi, thằng ngốc này!”.
Trong Avengers: Age of Ultron (2015), cha đẻ của những siêu anh hùng xuất hiện với tư cách là một cựu chiến binh quân đội người tham dự bữa tiệc chiến thắng Avengers. Ông tuyên bố ông đã chiến đấu tại bãi biển Omaha và điều này chứng tỏ ông có thể thoải mái chịu được một cốc rượu Asgard từ Thor. Sau đó là phân cảnh ông say tí bỉ được dìu đi, miệng lẩm bẩm “Excelsior”. Stan Lee từng nói rằng đây đã là một trong những vai khách mời yêu thích nhất của ông.
Mới đây nhất, trong Avengers: Infinity war (2018), người đàn ông vui tính này xuất hiện với tư cách là tài xế xe buýt trong trường học của Peter Parker (Người nhện). Khi các học sinh trên xe buýt phấn khích đổ ra xem con tàu của Ebony Maw đến, người lái xe ngạc nhiên: “Có chuyện gì với các con vậy? Đừng nói là các con chưa bao giờ nhìn thấy một con tàu vũ trụ trước đây nhé?”.
Được biết, trước khi Stan Lee đột ngột ra đi, nhà viết truyện này cũng đã kịp quay một vai diễn khách mời trong Avengers 4 sẽ ra mắt trong năm tới.
Captain America
Trong Captain America: The first Avenger (2011), Stan Lee đóng vai một vị tướng trong Thế chiến thứ hai. Tuy không có liên quan gì đến việc tạo ra nhân vật này nhưng ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình trong loạt truyện về Đội trưởng Mỹ. Cố họa sĩ cũng là người tạo ra ý tưởng Captain Amercia sử dụng chiếc khiên của mình như là một vũ khí đặc biệt. Bên cạnh đó, ông chịu trách nhiệm hồi sinh lại nhân vật này và là đồng tác giả của hầu hết những câu chuyện về Đội trưởng Mỹ trong Avengers.
Ba năm sau, xuất hiện trong Captain America: The winter soldier (2014), Stan Lee đóng vai một người bảo vệ an ninh tại Viện Smithsonian. Nhân vật sau khi phát hiện Captain America lấy cắp trang phục từ thế chiến thứ hai tại viện bảo tàng, đã cảm thán rằng: “Trời đất, mình bị đuổi việc chắc rồi”.
Captain America: Civil war (2016) tiếp tục giúp Stan Lee xuất hiện lần ba trong loạt phim này. Ông đóng vai một người đưa thư của FedEx, đứa gói hàng từ Steve Rogers (Captain America) cho Tony Stark (Iron Man) vào cuối bộ phim. Người này đã phát âm sai tên của Người sắt thành “Tony Stank”. Đây được xem là hành động “trả đũa” của nhà văn khi Tony Stark đã nhầm ông với người khác trong hai phần của Iron man.
Guardians of the Galaxy
Trong Vệ binh dải ngân hà (2014), cố nhà văn xuất hiện dưới vai một quý ông đang trò chuyện với một phụ nữ trẻ tuổi. Nhân vật Rocket quan sát người này thông qua một thiết bị quét và coi ông như là một trong những phần tử góp phần hủy hoại hành tinh Xandar.
Ở Guardians of Galaxy 2 (2017), Stan Lee thủ vai một phi hành gia đang ngồi trên một hành tinh và kể chuyện cho các thực thể vũ trụ được gọi là The Watchers nghe. Ông cũng xuất hiện lần nữa trong những cảnh after credit cuối phim, khi các Watchers rời đi, mệt mỏi vì những câu chuyện của ông, mặc kệ phi hành gia này nhấn mạnh rằng họ là phương tiện duy nhất có thể giúp mình trở về Trái đất. Các Watchers, cùng với Ego, được đồng sáng tạo bởi Stan Lee. Tác giả cũng xuất hiện trong video âm nhạc có tên Guardians Inferno.
Ngoài những loạt phim Marvel kể trên, ông còn tham gia vai khách mời trong vô số tác phẩm khác của hãng như: Doctor Strange (2016), Spider-Man: Homecoming (2017), Black Panther (2018), Ant-Man (2015), Ant-Man and the Wasp (2018).
Không chỉ góp mặt trong các siêu phẩm”sân nhà”, họa sĩ sinh năm 1922 còn nhiệt tình tham gia vào các bộ phim của những hãng phim khác. Trong loạt phim X-men của hãng Fox, Stan Lee góp mặt trong hầu hết các phần, từ X-Men (2000), X-Men: The last stand (2006) đến màn xuất hiện của ông và vợ trong X-Men: Apocalypse (2016). Ở hai phần phim của Deadpool, nhà văn kỳ cựu này cũng hiện diện đủ cả hai phần. Ngoài ra, ông cũng góp mặt trong vô số tác phẩm ăn khách khác nhau. Mới đây nhất, khán giả cũng vừa gặp lại vị “khách mời huyền thoại” này trong phim hành động Venom của Sony.
Có thể nói, Stan Lee là trường hợp thú vị khi vai diễn khách mời của ông tràn ngập trên màn ảnh rộng. Sự ra đi của tác giả sinh năm 1922 khiến nhiều khán giả tiếc nuối muôn phần. Không chỉ vì những cốt chuyện quá xuất sắc mang thương hiệu của Marvel, người nhiều người còn tỏ ra hụt hẫng khi những bom tấn hành động của Hollywood thiếu đi bóng dáng của một ông lão lúc vui tính, khi gàn giở và luôn đem lại những khoảnh khắc dí dỏm, thú vị cho người xem.
Bình luận (0)