Hội nghị kết thúc với Tuyên bố 65 điểm của Chủ tịch ASEAN 2013 là Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah. Tuyên bố đề cập biển Đông là một trong các vấn đề an ninh nổi cộm của khu vực và quốc tế. Các lãnh đạo ASEAN “tái khẳng định những cam kết tập thể” về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, không đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời kiềm chế trong mọi hoạt động trên biển Đông. Mặt khác, “chúng tôi cũng đặt nhiệm vụ cho các bộ trưởng phải tiếp tục làm việc tích cực với Trung Quốc để tiến tới hoàn thiện sớm Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận”, các lãnh đạo tuyên bố.
|
|
Quốc vương Hassanal Bolkiah và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh trong các cuộc họp báo sau hội nghị đều nhấn mạnh sự đồng thuận nói trên. Ông Lê Lương Minh gọi đó là “sự chín chắn” mà ASEAN đạt được sau những bất đồng về biển Đông trong nhiệm kỳ chủ tịch của Campuchia năm 2012. “Không có tiếng nói bất đồng”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu với báo chí sau hội nghị, “ASEAN đã sẵn sàng để bắt đầu và chúng ta đang chờ đợi Trung Quốc”. ASEAN đã có đủ các “nguyên tắc căn cơ” cũng như “các thành tố cơ bản” của COC mà cả khối đã nhất trí. Dự kiến trong tháng tới, cuộc họp đặc biệt cấp ngoại trưởng giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ diễn ra và COC là vấn đề chủ yếu sẽ được bàn thảo. Sự đồng thuận về cuộc họp này đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cách đây 2 tuần và được coi là một chuyển biến đúng chiều ASEAN mong đợi, phần nào giúp không khí Hội nghị Cấp cao lần này ít căng thẳng dù tình hình biển Đông vẫn phức tạp.
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) và Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc có cùng nhận định rằng sau những diễn biến ở Phnom Penh năm 2012, “Brunei cố tránh lặp lại chuyện này và bảo đảm sự đồng thuận trong khối”. “Việc tổ chức AMM trước 2 tuần có thể giúp Brunei giải quyết kịp thời mọi bất đồng trước khi Hội nghị Cấp cao diễn ra”, tiến sĩ Storey nhận định. Tuy vậy, “Trung Quốc có đáp lại một cách tích cực hay không là điều còn phải chờ”, ông cảnh báo. Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, quốc gia có vùng biển Natuna giàu dầu mỏ bị đường lưỡi bò “liếm trúng”, cho biết người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Jakarta vào đầu tháng 5. Phát biểu tại Brunei, ông Natalegawa nói sẽ nhân dịp này yêu cầu Trung Quốc “lên cùng chuyến tàu COC”.
Cộng đồng và kinh tế
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được những đồng thuận quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Trước hết là tái cam kết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Hiện kế hoạch AEC đã thực hiện được 77,5%. Phần còn lại, theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, tuy ít nhưng rất gian nan khi đụng phải bức tường bảo hộ của chính các quốc gia thành viên. Tuy vậy, các thành viên nhận thức “cần phải tăng cường tính cạnh tranh của ASEAN, bằng cách tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư”, ông quả quyết.
Về quan hệ kinh tế ngoại khối, từ ngày 9-13.5 tại Brunei, vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ diễn ra. Dự kiến đến năm 2015, RCEP sẽ là khu vực thương mại tự do rộng lớn gồm 10 nước ASEAN với 6 đối tác trong những hiệp định kinh tế riêng lẻ là Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Tiếp theo sẽ là đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông, hiện là đối tác lớn thứ hai của khối (sau Trung Quốc đại lục).
Đàm phán Việt - Trung về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Từ ngày 22 - 24.4, tại Bắc Kinh, Nhóm Công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán thứ 3. Hai bên đã trao đổi ý kiến nhằm triển khai hợp tác bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn và phòng tránh giảm thiểu thiệt hại thiên tai. TTXVN |
Thục Minh
(từ Brunei)
>> ASEAN tìm tiếng nói đồng thuận
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 22
>> Thủ tướng Singapore đi Hội nghị ASEAN bằng máy bay thương mại
>> Đối thoại Jakarta kêu gọi đẩy nhanh tiến trình COC
>> ASEAN hướng mạnh tới COC
Bình luận (0)