Sự cố hy hữu trên trạm ISS

26/09/2010 03:15 GMT+7

(TNTS) Sáng ngày 24.9.2010 (theo giờ Moscow), lần đầu tiên trong lịch sử Trạm không gian quốc tế (ISS), một con tàu vũ trụ đã không thể tách ra để trở về trái đất.

1. Theo dự kiến, tàu vũ trụ Soyuz TMA-18, chở ba nhà du hành vũ trụ: Caldwell Dyson (Mỹ), Mikhail Korniyenko và Aleksandr Skvortsov (Nga) sẽ tách khỏi ISS. Tuy vậy, mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ và cả 3 nhà du hành buộc phải quay vào khoang chính của ISS để chờ đợi cho chuyến trở về tiếp theo.

Phi hành đoàn của Soyuz TMA-18 gồm ba người nêu trên, lắp ráp với ISS vào ngày 2.4.2010. Như vậy, họ có hơn 6 tháng sống trên vũ trụ và việc trở về trái đất theo lịch trình không có gì đặc biệt. Vào lúc 2 giờ sáng (giờ Moscow) ngày 24.9, phi hành đoàn gồm Dyson, Korniyenko và Skvortsov chuyển sang module MIM-2 (còn gọi là Poisk). Họ kiểm tra các thiết bị kỹ thuật, chọn vị trí ngồi và chuẩn bị tách ra khỏi ISS theo dự kiến vào lúc 5 giờ 35 phút sáng. Sau hơn 3 giờ tách ra khỏi ISS, MIM-2 sẽ hạ cánh xuống phía đông nam cách thành phố Dzhezkazgan, Cộng hòa Kazakhstan 146 km.

Vào khoảng 5 giờ sáng, trung tâm điều hành chuyến bay dưới trái đất nhận được thông tin rằng, Soyuz đang chuẩn bị tách khỏi ISS và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên chỉ khoảng 30 phút sau, lần đầu tiên trong lịch sử ISS, tàu vũ trụ đã không thể tách ra đúng thời gian dự tính.


Phi hành đoàn Soyuz TMA-18

Vào thời điểm đó, nguyên nhân của sự cố hy hữu này hoàn toàn là bí ẩn. Trung tâm điều hành chuyến bay dưới trái đất nhận được thông tin do có trục trặc nào đó, nên phi hành đoàn đã không thể thực hiện các thao tác theo lệnh chỉ huy từ dưới trái đất. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn hy vọng dù có thế nào Soyuz vẫn tách ra khỏi ISS theo đúng thời gian dự kiến. Trong trường hợp xấu nhất, trong vòng khoảng 3 giờ đồng hồ, các chuyên gia sẽ tìm hiểu được nguyên nhân sự cố và sửa chữa nó. Nếu như vậy, sau khi ISS bay 2 vòng xung quanh trái đất, Soyuz sẽ tách ra và trở về.

Sau khi sự cố xảy ra 1 giờ đồng hồ, hãng Interfax (Nga) thông báo, phải mất 5 tiếng đồng hồ (để ISS bay 3 vòng quanh trái đất), Soyuz mới có thể bắt đầu tách ra khỏi ISS. Cả phi hành đoàn trên ISS, cả các chuyên gia hàng không vũ trụ dưới mặt đất đều nỗ lực tìm hiểu: Điều gì đã diễn ra và tại sao lại có sự cố như vậy? Song cuối cùng không ai tìm ra nguyên nhân sự cố và trung tâm điều hành chuyến bay dưới trái đất quyết định chuyến trở về của ba nhà du hành vũ trụ buộc phải hoãn lại một ngày.

Ngay sau sự cố trên, nhà du hành vũ trụ kiêm kỹ sư sửa chữa là Fedor Yurchikhyn - người lên trạm ISS cùng Soyuz TMA-19 vào ngày 18.6.2010 - phát hiện thấy dưới khớp nối giữa ISS và Soyuz có một lỗ hổng đường kính khoảng 2 cm. Tại đó có hai bánh răng thuộc các khớp nối bị gãy. Chỉ có điều các chuyên gia không rõ, hai bánh răng đó bị gãy trước khi Soyuz tách ra, hay trong quá trình chuẩn bị tách ra khỏi ISS. Giải thích với các nhà báo, lãnh đạo chương trình bay của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roskosmos) - ông Aleksei Krasnov nói: “Việc xác định nguyên nhân hai bánh răng gãy sẽ được một ủy ban chuyên ngành xem xét, phân tích”.

Đến 10 giờ sáng ngày 24.9, ba nhà du hành Dyson, Korniyenko và Skvortsov đã vào trong khoang chính của ISS. Theo lời của ông Valery Bogomolov - Phó giám đốc Viện Các vấn đề sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, sức khỏe của ba nhà du hành rất tốt, không có biểu hiện đáng lo ngại.

2. Trong vòng 4 giờ tính từ khi xảy ra sự cố, cùng với sự phát hiện của kỹ sư Fedor Yurchikhyn, các chuyên gia phần nào đã hiểu ra nguyên nhân gây nên sự số hy hữu. Soyuz đã không thể tách ra được là do khớp nối với ISS (giữ Soyuz gắn với ISS) đã không tách ra được. Lãnh đạo Roskosmos - ông Anatoly Perminov nói với các nhà báo rằng, lúc đầu hệ thống thông tin tự động đã báo nhầm thông tin về khớp nối chưa kín. Và đương nhiên với thông tin như thế, hệ thống điều khiển tự động sẽ không cho phép Soyuz tách ra. Tuy vậy, các nhà du hành đã kiểm tra và khẳng định, khớp nối giữa ISS và Soyuz là hoàn toàn kín.

Cách đây không lâu, vào tháng 7.2010, đã xảy ra sự cố tương tự: Tàu chở hàng Progress-M-06M đã không thể lắp ráp ngay với ISS theo dự tính. Nguyên nhân chính là do hệ thống thông tin tự động quá nhiễu, khiến các nhà du hành nhận lệnh sai lệnh từ trung tâm điều khiển dưới mặt đất. Ngoài ra, một nhà du hành vô tình bấm sai nút điều khiển. Phải đến lần thứ hai thì Progress-M-06M mới nối được với ISS. Trước đó, vào tháng 5.2010, do lỗi của bộ điều khiển tự động nên các nhà du hành vũ trụ phải điều khiển bằng tay để lắp ráp Progress-M-05M với ISSD.

Một chuyên gia kỹ thuật giấu tên, người có quan hệ khá thân với ủy ban chuyên ngành điều tra sự cố cho phóng viên của hãng thông tấn RIA Novosti, Nga biết: “Việc báo nhầm thông tin như trên có thể gắn liền với sự xuất hiện của lỗ hổng. Bởi các bánh răng của khớp nối là một phần của khớp nối giữa ISS và  Soyuz. Tuy khả năng ảnh hưởng của 2 bánh răng là không đáng kể so với khớp nối lớn, nhưng các chuyên gia của ủy ban chuyên ngành vẫn xem xét thêm cả khả năng này”. Dù có thế nào, đến nay vẫn chưa có tuyên bố chính thức về nguyên nhân gây ra sự cố từ đại diện các cơ quan hữu trách.

Cũng cần nói thêm, thiết kế của ISS cho phép các nhà du hành vũ trụ sẽ điều khiển phi thuyền bằng tay, trong trường hợp họ chắc chắn là hệ thống điều khiển tự động có trục trặc. Nhưng module MIM-2 gắn với Soyuz TMA-18 lại có hệ thống điều khiển tự động mới lại không cho phép các nhà du hành vũ trụ điều khiển bằng tay cho đến khi có lệnh từ trung tâm điều hành chuyến bay dưới trái đất. Công nghệ tiên tiến này cũng được áp dụng trong lĩnh vực tên lửa vũ trụ của Nga.  

Sự trục trặc của loại module mới Poisk không chỉ bây giờ mới diễn ra. Bởi Soyuz TMA-18 là con tàu vũ trụ thứ hai sử dụng Poisk để gắn với ISS. Trước đó Soyuz TMA-17 cũng sử dụng Poisk và khi nó tách ra khỏi ISS đã có trục trặc. Sự cố khi đó được giải quyết nhanh chóng, nên sau đó các phương tiện truyền thông không bình luận về vụ việc này.

Vào ngày 25.9.2010, Soyuz TMA-18 lại một lần nữa tách ra khỏi ISS và theo tính toán nó đã hạ cánh an toàn tại Kazakhstan trong khoảng từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút (giờ Moscow). Đại diện ngành hàng không - vũ trụ Nga tuyên bố, việc lùi lại một ngày như vậy không ảnh hưởng đến ê-kíp các nhà du hành đang làm việc tại ISS. Về phía Mỹ, lãnh đạo Cơ quan NASA - ông Charles Bolden, cũng nói thêm: Soyuz TMA-18 trở về trái đất chậm một ngày không hề ảnh hưởng đến lịch trình phóng tàu con thoi của Mỹ. Charles Bolden phát biểu: “Tôi đã trao đổi với các đồng nghiệp Nga và thấy họ đã giải quyết vấn đề sự cố. Tôi nghĩ họ đã hiểu điều gì xảy ra và có kế hoạch sửa chữa lỗ hổng đó. Mọi chuyện sẽ theo kế hoạch và sẽ tốt đẹp”.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.