308 trường hợp phải cứu hộ
Chiều 18.2, ông Lê Văn Ngoạn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết: chỉ trong 2 tuần kể từ ngày thông xe tạm 3.2 đến nay, trên toàn tuyến cao tốc dài gần 40 km tổng cộng đã có 308 trường hợp phải cứu hộ. Trong số này có 59 trường hợp xe bị bể vỏ (23 xe tải, 36 xe khách) và 243 trường hợp chết máy giữa đường phải cứu hộ (78 xe tải và 165 xe khách). Trước Tết, có 1 vụ xe chở hàng bị lật trên đường cao tốc, nguyên nhân là do xe này chở quá tải (xe trọng tải 5 tấn nhưng chở 8 tấn), tài xế cho xe chạy quá tốc độ quy định, mất lái, quệt vào hàng tôn sóng.
Theo ông Ngoạn, nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều xe bị chết máy là do bị sôi nước làm mát và bể ống nước. Trong số các vụ xe bị nổ lốp, xe tải chiếm 50%, còn lại là xe du lịch và xe khách. Đa số những xe bị hư hỏng trên đường chủ yếu là xe đã quá cũ, không bảo đảm an toàn. Điều này có thể liên quan đến chất lượng kiểm định vì còn trong thời hạn lưu hành.
Ông Ngô Ngọc Sơn, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm VN cho rằng, nhiều người thấy lốp xe chưa mòn gai là chưa thay, trong khi tuổi thọ của lốp đến hết thời hạn là phải thay cả bộ, cho dù nhìn thấy nó vẫn còn tốt. Động cơ cũng vậy, nếu xe không được bảo trì tốt mà chạy trên đường cao tốc, sẽ dễ bị nóng máy, dẫn đến xe chết máy giữa đường. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận cho biết, có trường hợp lái xe quên đổ xăng, chạy vào đường cao tốc nửa chừng hết xăng, chết máy. Nhiều trường hợp xe cũ chạy tốc độ cao, máy xe quá nóng, bốc khói mù mịt, đột ngột dừng lại giữa đường. Còn có nhiều trường hợp xe chở quá tải, vào đường cao tốc chạy với tốc độ cao, ma sát bánh xe lớn làm nóng vỏ, nổ lốp.
Về thông tin cho rằng do mặt đường quá nhám nên dễ gây nổ lốp khi chạy với tốc độ cao, theo ông Ngoạn là không đúng. Lần đầu tiên tại VN, tuyến đường này được ứng dụng công nghệ phủ một lớp siêu mỏng tạo nhám mặt đường - loại công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận, cho biết, công nghệ này của Mỹ, mới được đưa vào áp dụng tại một số nước, trong đó có VN. Được xem là công nghệ của an toàn giao thông, công nghệ phủ lớp siêu mỏng lên bê tông nhựa tạo nhám mặt đường có những tính năng đặc biệt, thoát nước tốt, giảm bắn bụi nước mỗi khi các phương tiện chạy qua, chống trơn trượt, tăng tuổi thọ cho con đường. "Xe đang chạy với tốc độ cao, khi thắng (phanh) lại đột ngột, sẽ dừng lại ngay, cho thấy độ bám của bánh xe xuống mặt đường có phủ lớp này là rất tốt" - ông Dũng giải thích. Một chuyên gia giao thông cho rằng, đây chính là điểm khác biệt rất lớn và là điểm nhấn đặc biệt của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương so với các tuyến đường bộ khác của VN.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Mai Vọng |
Lực lượng cứu hộ làm việc quá tải
Những ngày đầu ra quân có 118 cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng CSGT và TTGT của TP.HCM, Long An, Tiền Giang được bố trí làm nhiệm vụ tại các chốt Chợ Đệm (TP.HCM), Bến Lức, Tân An (Long An) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Riêng tại Trung tâm Quản lý đường cao tốc Thân Cửu Nghĩa có 15 nhân viên thường trực. Tất cả đều hoạt động 24/24 giờ. Các phương tiện cứu hộ luôn sẵn sàng hoạt động tại 2 vị trí nút giao Tân An và Bến Lức. Hiện nay các phương tiện được bố trí tăng gấp 3 lần theo phương án gồm 3 xe cứu hộ xe du lịch, 2 xe cứu hộ xe tải trung và 1 xe cứu hộ xe tải lớn, nhưng hiện đã hoạt động hết công suất và quá tải.
Về lưu lượng thì trong ngày đầu thông xe đạt 30.000 xe/ngày đêm và những ngày sau đó tăng dần lên, đến nay đạt trên 50.000 xe/ngày đêm. Theo nhận định của PMU Mỹ Thuận thì việc thông xe tạm tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngay vào cao điểm những ngày giáp Tết Nguyên đán đã giải tỏa rất lớn lưu lượng xe trên quốc lộ 1A. Nhờ vậy trong những ngày Tết đã không còn tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng như những năm trước.
Mặt khác, trong khi làm nhiệm vụ trên đường cao tốc các lực lượng chức năng cũng đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm an toàn giao thông như dừng xe và đi bộ trên đường cao tốc.
Ông Ngô Ngọc Sơn, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm VN khuyến nghị, các tài xế nên đưa xe đi cân bằng động bánh xe, để khi chạy với tốc độ cao như trên đường cao tốc, sẽ không bị rung tay lái, xe sẽ không bị sàng trên mặt đường, tạo ma sát lớn, dễ bị xì lốp. Ngoài ra, các tài xế cũng cần lưu ý khi bơm bánh xe phải bơm đúng áp lực theo quy định của nhà sản xuất, chớ có bơm quá căng hoặc để bánh xe quá mềm khi đi trên đường cao tốc. Theo thông tin từ trang web của nhà sản xuất lốp xe Goodyear thì chỉ dẫn của nhà sản xuất là không dùng quá 6 năm từ ngày sản xuất. Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số. Với 4 chữ số cuối cùng thì chỉ ngày tháng năm sản xuất ra chiếc lốp đó. Ví dụ nếu 4 chữ số cuối dãy là 1404, có nghĩa là lốp này xuất xưởng vào tuần thứ 14 của năm 2004. Thời hạn sử dụng nhà sản xuất khuyên dùng là không quá 6 năm từ ngày sản xuất. Một chiếc lốp quá "đát" thường bị mờ dãy số này, cho dù nhìn bề ngoài thì có vẻ như chẳng có vấn đề gì cả. Nhà sản xuất khuyên rằng kể cả những chiếc lốp mới không dùng mà chỉ cất trong kho nhưng đã hết hạn sử dụng thì xem như đã kết thúc vòng đời. Một số kinh nghiệm thực tế cho thấy xe đi khoảng 4 vạn km là nên tính đến chuyện thay lốp. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác như hay đi loại đường nào, thường xuyên đảo lốp hay không… Thông thường khoảng cách từ bề mặt đến gai khoảng 1,6 mm-2 mm là nên thay. |
Mai Vọng - Hoàng Phương
Bình luận (0)