|
Vì quá bức bách !
Đó là tâm sự của ông Trần Văn Tùng (tạm trú tại khu phố 10, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12), nhân vật được đề cập trong bài Cưỡng chế... container đăng trên Thanh Niên ngày 31.7. Ông cho biết, vào năm 2010, do kho xưởng và văn phòng của ông tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) bị cháy hoàn toàn, mất toàn bộ tài sản nên gia đình ông lâm cảnh cực kỳ khó khăn, phải bán hết nhà đất để trả nợ. Từ đó, cả nhà ông phải thuê mướn nhà trọ và khôi phục dần kinh tế gia đình. “Chính vì vậy tôi đành phải đặt một container làm văn phòng trên mảnh đất đã mua giấy tay trước đó để giao dịch làm ăn, dù rằng mọi sinh hoạt rất bất tiện”, ông Tùng bộc bạch.
Ở P.Bình Khánh, Q.2, vợ chồng cụ Nguyễn Công Giang (sinh năm 1937, 55 tuổi Đảng) cũng rơi vào trường hợp bức bách, phải sử dụng container để ở. Do nhà đất của cụ nằm trong diện giải tỏa để thực hiện dự án khu đô thị An Phú - An Khánh, nên năm 2010 gia đình cụ tự tháo dỡ nhà, giao đất cho phía dự án. Tuy nhiên, sau đó do chưa nhận được tiền đền bù, vợ chồng cụ Giang phải tá túc nhà con cháu. Đến tháng 3.2014, sau khi cả UBND P.Bình Khánh và UBND Q.2 từ chối cấp phép xây nhà tạm trên phần đất cũ thì gia đình cụ Giang phải sử dụng một container đặt ở đây, đồng thời xây thêm công trình phụ để hai cụ có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. UBND P.Bình Khánh ban hành quyết định buộc gia đình cụ Giang tháo dỡ phần công trình phụ, riêng container thì vẫn để lại cho hai cụ ở.
Ông M., con ruột cụ Giang, cho rằng việc phải dùng container để làm nhà ở cho cha mẹ là bất đắc dĩ. “Bởi không còn cách nào khác nên chúng tôi phải làm như thế, nếu chính quyền không cho đặt container trên phần đất này thì cha mẹ tôi sống ở đâu, khi mà tiền đền bù chưa được chi trả ?”, ông M. đặt câu hỏi.
Mỗi nơi một kiểu
Đối với trường hợp ông Tùng, UBND xã Thới Tam Thôn đã ban hành quyết định và áp dụng 2 lần cưỡng chế. Và ở lần cưỡng chế thứ 2, lực lượng của xã đã dùng máy xúc húc đổ container lúc ông Tùng đi vắng, gây thiệt hại tài sản và gây thêm nỗi bức xúc rất lớn từ gia đình ông.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, một cán bộ H.Hóc Môn bày tỏ: “Theo tôi, cũng có cách xử sự mềm dẻo hơn. Thay vì phá dỡ container thì nên cho ông Tùng di dời đi nơi khác để đảm bảo tài sản, không nên làm một cách cứng nhắc như vậy”. Trong khi đó, luật sư Quách Trọng Phú (Đoàn luật sư TP.HCM), đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn Tùng, cho rằng việc đặt container văn phòng hiện chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục lắp đặt, quản lý, sử dụng, di dời. Cho nên, việc UBND xã Thới Tam Thôn phá dỡ container mà không có biện pháp giải thích và yêu cầu ông Tùng di dời đến nơi khác là đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Tùng.
Từ thực tế 2 trường hợp nêu trên và cách hành xử mỗi địa phương khác nhau, rất cần một quy định cụ thể đối với loại công trình dạng này, để chính quyền địa phương áp dụng một cách thống nhất, cũng là để giúp người dân khi bức bách về chỗ ở, văn phòng có cơ sở thực hiện các thủ tục cần thiết.
Bùi Chiến
>> Cưỡng chế... container!
>> Container mất lái, hàng ngàn vỏ chai bia phủ kín mặt đường
Bình luận (0)