Sử dụng tài khoản cá nhân kêu gọi hỗ trợ 'chuyến xe 0 đồng' là không minh bạch

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
30/03/2022 14:51 GMT+7

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cho rằng dùng tài khoản cá nhân kêu gọi từ thiện, hỗ trợ các 'chuyến xe 0 đồng' là không minh bạch, khiến dư luận nghi ngờ.

Ngày 29.3, ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ H.Phù Mỹ (Bình Định) và ông Nguyễn Quốc Đạt, Đội trưởng Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định (thuộc Hội Chữ thập đỏ H.Phù Mỹ) báo cáo về vụ việc liên quan đến thông tin xe tình thương chở thi thể anh Đặng Quốc Đ. từ TP.HCM về Bình Định rồi yêu cầu gia đình trả 39,8 triệu đồng.

Chiếc xe cứu thương chở thi thể anh Đặng Quốc Đ. từ TP.HCM về Bình Định

gia đình cung cấp

Kết nối không đúng người?

Trước đó, sáng 24.3, ông Nguyễn Quốc Đạt nhận được cuộc gọi từ một tài khoản Facebook nhờ vận chuyển thi thể anh Đặng Quốc Đ. (29 tuổi, ở thôn Chánh Trực, xã Mỹ Thọ, H.Phù Mỹ) bị tai nạn từ TP.HCM về Phù Mỹ bằng hình thức "xe cứu thương 0 đồng". Nhưng do xe của đội không vào TP.HCM nên ông Đạt đã kết nối gia đình anh Đ. với một người có tài khoản Facebook là Trưởng Ban Tình Thương, thường gọi là Tèo Bình Định, làm dịch vụ xe cứu thương để 2 bên thỏa thuận việc vận chuyển.

“Qua điện thoại, Đạt có nói với tôi là "lỗi của cháu là kết nối không đúng người". Ông Tèo Bình Định ở đâu tận TP.HCM chứ có ở đâu đây mà bây giờ người ta nghi ngờ có sự ăn chia trong đó”, ông Cát nói.

Ông Hà Văn Cát cho biết Đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 được thành lập từ năm 2019 với tên gọi ban đầu là Đội SOS - Hiệp sĩ TP.Quy Nhơn, do ông Nguyễn Quốc Đạt làm đội trưởng. Tuy đóng tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) nhưng tháng 6.2021, đội xin đăng ký gia nhập đội tình nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ H.Phù Mỹ, lấy tên là Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định và được chấp nhận. Đội có các hoạt động như: hỗ trợ sửa chữa, vá săm ruột xe cho người dân có sự cố hư hỏng trên đường, thực hiện chuyến xe cứu thương 0 đồng…

“Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định đóng ở TP.Quy Nhơn, địa bàn hoạt động rộng nên Hội Chữ thập đỏ H.Phù Mỹ quản lý khó khăn, hoạt động của đội cũng bị hạn chế. Tháng 8.2021, ông Đạt đã làm đơn xin nhập đội tình nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định để có điều kiện hoạt động tốt hơn nhưng khi chúng tôi đang xem xét hồ sơ thì lại có đơn tố giác ông Đạt”, ông Hà Văn Cát nói.

Cụ thể, ngày 4.10.2021, khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đang họp để xem xét đơn xin gia nhập của Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định thì có bà N.T.H.N (ở H.Tuy Phước, Bình Định) đến đưa thư tay tố giác ông Đạt. Trong đơn, bà N.T.H.N tố giác ông Đạt 9 nội dung liên quan đến hoạt động thiện nguyện. Sau đó, Công an tỉnh Bình Định và một số cơ quan chức năng cũng nhận được đơn tố giác nặc danh liên quan đến hoạt động thiện nguyện của ông Đạt.

Việc dùng tài khoản cá nhân kêu gọi hỗ trợ đã bị nhiều người công kích trên mạng xã hội

ảnh chụp màn hình

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định xem xét đơn, sau đó có văn bản chuyển đơn của bà N. đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định để xác minh và tạm dừng xem xét đơn gia nhập của Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định. Sau đó, Công an tỉnh Bình Định giao Công an TP.Quy Nhơn xác minh đơn thư liên quan đến ông Đạt.

“Tháng 2 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Bình Định, Sở TT-TT tỉnh Bình Định, Công an TP.Quy Nhơn… về kết quả kiểm tra đơn thư tố cáo ông Đạt. Tại cuộc họp, Công an TP.Quy Nhơn thông báo chưa đủ căn cứ để kết luận ông Đạt có vi phạm trong hoạt động thiện nguyện như các nội dung trong đơn tố cáo. Các “mạnh thường quân” gửi tiền hỗ trợ thông qua Đạt thì không ai tố cáo, yêu cầu sao kê nhưng người không ủng hộ tiền thì lại tố cáo, công kích trên mạng...”, ông Cát nói.

Cần chấn chỉnh hoạt động thiện nguyện

Sau khi báo Thanh Niên có bài viết Xe tình thương “chém” 40 triệu đồng chở thi thể từ TP.HCM về Bình Định, nhiều bạn đọc phản hồi về hoạt động của các nhóm thiện nguyện có xe cứu thương, các nhóm hoạt động chuyến xe 0 đồng... Trong đó, có các ý kiến đặt vấn đề về tính minh bạch tài chính của một số nhóm thiện nguyện. Các trang fanpage, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook những ngày qua cũng có nhiều bài viết, bình luận bức xúc về sự không minh bạch trong hoạt động kêu gọi hỗ trợ.

Theo ông Hà Văn Cát, tỉnh Bình Định hiện có 6 đội, nhóm có hoạt động xe cứu thương thực hiện việc vận chuyển 0 đồng. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đang quản lý 1 đội và Hội Chữ thập đỏ H.Phù Mỹ có Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định. Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định hoạt động có công suất cao nhất nhưng gần đây liên tục bị công kích trên mạng xã hội là do cách làm chưa đúng. Cụ thể, tài khoản vận động của đội có chủ tài khoản là Nguyễn Quốc Đạt nên tạo sự nghi ngờ về tính minh bạch, chưa kịp thời công khai các khoản do “mạnh thường quân” hỗ trợ…

“Không nên sử dụng tài khoản cá nhân trong hoạt động từ thiện vì nguồn tiền ra, tiền vào sẽ không minh bạch. Sắp tới, nếu Biệt đội hỗ trợ nhân dân SOS 115 - Bình Định gia nhập Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định thì phải sử dụng tài khoản tập thể. Hội sẽ quản lý tài khoản này và công khai các khoản thu chi để tạo ra sự minh bạch”, ông Cát nói.

Ông Hà Văn Cát cho rằng trình trạng đội, nhóm và cá nhân ở Bình Định đứng ra kêu gọi, vận động ủng hộ nhân đạo, từ thiện tự phát, cạnh tranh không lành mạnh, dùng mạng xã công kích lẫn nhau, "đánh hội đồng"… gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến hoạt động nhân đạo. Vì vậy, các ngành chức năng cần phải theo dõi, chấn chỉnh để hoạt động thiện nguyện tự phát hoạt động tốt hơn, lành mạnh hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.