Sử dụng “vắc xin âm nhạc” trong mùa dịch thế nào cho hợp lý?

P.C.Tùng
P.C.Tùng
04/09/2021 18:57 GMT+7

Âm nhạc lan tỏa năng lượng tích cực trong mùa dịch là điều cần thiết, nhưng nhiều ý kiến gây tranh cãi cũng cho rằng đến hát nơi bệnh nhân đang điều trị là không nên.

Mới đây, sau khi nhận được phản ánh về việc nhiều người xuống sân xem biểu diễn ca nhạc tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 6, 7, 8, thành phố Thủ Đức, Thành đoàn TP.HCM đã rút kinh nghiệm việc tổ chức chương trình. Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ trên chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời tối 3.9. Chương trình ca nhạc này có Tóc Tiên, Đức Phúc, Erik, Phương Thanh... hát, nhảy được quay hình lại cho thấy nhiều người ùa xuống sân đứng xem ca nhạc, không đảm bảo giãn cách. Nhiều người hòa giọng từ các tòa chung cư cao tầng theo lời kêu gọi của các ca sĩ... Trong chương trình, Tóc Tiên khuấy động không khí đêm nhạc khi vừa nhảy vừa hát, liên tục đề nghị khán giả hát theo. Cô thể hiện hai ca khúc: Việt Nam tử tế Ngày mai (Vũ điệu cồng chiên) và cho biết muốn truyền tải năng lượng tích cực đến các bệnh nhân để họ lạc quan, mau khỏi bệnh. Ca sĩ Đức Phúc hát Ánh nắng của anh, Hơn cả yêu; Erik hát bài sôi động Ghen Cô Vy...

Ca sĩ Tóc Tiên (ảnh trên) cùng Erik, Đức Phúc trong chương trình ở bệnh viện dã chiến Thủ Đức

Ảnh: T.T - Hải An

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận: "Trong quá trình tổ chức còn một số vấn đề. Những người tụ tập dưới sân chủ yếu là nhân viên y tế. Khi nghệ sĩ biểu diễn, những người này đứng xem gần nhau còn các bệnh nhân F0 chỉ xem từ phía phòng điều trị, khu cách ly".
Ai cũng hiểu nếu vắc xin Covid-19 có thể ngăn ngừa virus về mặt thể chất thì “vắc xin âm nhạc” cũng có thể phần nào chữa lành về mặt tinh thần, vực dậy nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng sau chuỗi ngày dài giãn cách. Thực tế, trong mùa dịch, âm nhạc xoa dịu những tổn thương tinh thần của con người. Những hình ảnh saxophone Trần Mạnh Tuấn thổi kèn da diết bài hát Quê hương, hay những bài nhạc Trịnh qua chiếc khẩu trang ở bệnh viện dã chiến TP.HCM trước đây đã khiến nhiều người thực sự xúc động. Hay như trước đây, nhiều người dân Ý ra ban công nhà riêng hát, nhảy, chơi nhạc cụ động viên lẫn nhau trong những ngày thành phố trầm lắng vì dịch bệnh, vì họ thấy được chữa lành và kết nối qua âm nhạc cũng khiến người dân khắp thế giới đồng cảm và chia sẻ.
BS. Nguyễn Thành Tâm (Bệnh viện dã chiến thu dung số 1, TP.HCM) sau chương trình âm nhạc có Trần Mạnh Tuấn đã phát biểu: "Các bệnh nhân F0 ở đây rất stress. Việc các nghệ sĩ mang tiếng hát đến đây làm chúng tôi rất mừng. Tôi mong những chương trình ý nghĩa thế này sẽ được nhân rộng ở các bệnh viện khác".

Hình ảnh đẹp của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn khi thổi kèn hòa tấu nhẹ nhàng, da diết ca khúc Quê hương tại bệnh viện dã chiến gây xúc động tới nhiều người xem qua clip ở nhà

Ảnh: Hải An

Tuy nhiên, quan điểm “dùng âm nhạc để dập tắt dịch bệnh” có lẽ chỉ nên làm từ xa, hoặc nghệ sĩ tự làm sản phẩm âm nhạc (bao nhiêu cũng được) cứ tung ra trên kênh của mình, để ai muốn xem – nghe thì tự bật đài, hay YouTube xem, còn ai không muốn xem thì thôi. Còn nếu làm tại chỗ phải ở các bệnh viện dã chiến thì phải thật khéo léo để tránh ồn ào trong lúc bệnh nhân đang stress!
Đành rằng đang stress thì cần nghe nhạc như vị bác sĩ trên nói, nhưng không phải ai cũng như thế bởi khi đang stress mà nghe những âm thanh quá ồn ào càng khiến con người ta stress thêm. Vì thế, việc “nhân rộng” các chương trình âm nhạc phục vụ tại bệnh viện dã chiến cần phải được tính toán và xem xét kỹ. Nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng cũng cho rằng một số người đang làm ở các bệnh viện dã chiến nói họ cũng không cần ca sĩ vào hát hò để ra xem, vì xong ca trực liên tục hàng ngày quá mệt mỏi là họ tìm chỗ nghỉ ngơi, chứ rảnh đâu mà coi. Còn không ít bệnh nhân nói họ bị mất tinh thần hơn khi trăm thứ lo đổ dồn, trong đó có người thân mất hoặc đưa đi cấp cứu chưa liên lạc được thông tin, mà phải nghe những tiếng hò reo, nhạc sàn, nhạc dance ồn ào… “Liệu có phản tác dụng và phản cảm, nên dừng lại hay tiếp tục?” – những ý kiến tranh cãi dữ dội về vấn đề này đang xảy ra trên các mạng xã hội
Rõ ràng, hàng loạt bài hát về cảm động về Sài Gòn những ngày giãn cách khó quên, gửi gắm biết bao nỗi niềm yêu thương đã ra mắt như Sài Gòn tôi sẽ (thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương), Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn (Tuấn Hưng - Khắc Việt), Cố lên Sài Gòn (nhạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Ưng Hoàng Phúc), Mong sao hết dịch (nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung)… quả thật rất cần thiết và đáng cổ vũ. Bởi âm nhạc giàu năng lượng tích cực rõ ràng giúp người nghe vơi đi những nỗi niềm, lúc họ muốn nghe, trong một tâm thế/hoàn cảnh/địa điểm nào đó mà họ tự lựa chọn thưởng thức.
Cần phải thấy khi Chính phủ Singapore điều chỉnh kế hoạch sống chung với virus mới đây (vào đầu tháng 9) cũng lưu ý rất nhiều về vấn đề âm nhạc trong mùa dịch! Theo đó, lệnh được ban liên quan đến âm nhạc là: các địa điểm ăn uống “bị cấm chơi nhạc, kể cả trực tiếp hay phát ghi âm”, và các chương trình ca nhạc bị hủy hoàn toàn không được tổ chức. Bởi vì họ tính đến chuyện phải đề phòng trường hợp âm thanh nhạc mở lớn, sẽ khiến khách hàng, người dân phải nói to hơn, làm gia tăng nguy cơ phát tán virus. Điều này quả thật khiến cơ quan chức năng, các nghệ sĩ lẫn mỗi người dân chúng ta đáng suy ngẫm và lưu ý, để có cách làm phù hợp hơn trong thời gian tới!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.