Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016”.
Hạn chế từ khâu đi vay tới sử dụng
Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải, trưởng đoàn giám sát trình bày tại phiên họp đánh giá, bên cạnh những thành công của nhiều dự án, việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc đàm phán, ký kết hiệp định vay nợ còn bất cập khi chưa thống nhất đầu mối dẫn đến thiếu thống nhất trong triển khai, thiếu gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng và cân đối nguồn lực trả nợ.
Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, có dự án không được tính toán kỹ về tiến độ triển khai, công nghệ, thiết bị dẫn đến sau khi ký hiệp định vay, phải trả phí cam kết cho nhà tài trợ nhưng chưa giải ngân được. Điển hình như dự án metro TP.HCM vay của Chính phủ Đức có tổng số vốn vay theo hiệp định là 137 triệu euro, hằng năm phải trả phí cam kết 342.500 euro; tổng số phí cam kết phải trả cho dự án đến 31.12.2016 là 1,358 triệu euro. Hay như dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội không sử dụng hết vốn vay nhưng vẫn phải trả phí cam kết với số tiền 5,96 tỉ đồng.
Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Chẳng hạn, dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải tăng tổng mức đầu tư 8.160 tỉ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng; dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng; dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây điều chỉnh lần 1 tăng 6.001 tỉ đồng, lần 2 tăng thêm 4.738 tỉ đồng; dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội (Dự án 2) điều chỉnh 3 lần, từ 5.063,7 tỉ đồng lên 9.693,8 tỉ đồng (tăng 91,4%)...
Tiêu cực chỉ nước ngoài phát hiện
Phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng báo cáo của đoàn giám sát đã nêu ra rất cụ thể những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vốn ODA cũng như trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tuy nhiên, địa chỉ chịu trách nhiệm thì chưa được nêu rõ. “Nếu nói có đóng góp tích cực thì chắc chắn có nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến làm tốt cần phải nêu ra. Đồng thời, những địa phương, bộ, ngành làm chưa tốt cũng cần phải mạnh dạn nêu rõ”, bà Nga kiến nghị. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cũng cho hay, liên quan tới việc giám sát quản lý, sử dụng vốn ODA thì có một điều rất khó lý giải là các vụ tiêu cực lớn liên quan tới các vụ án chủ yếu do phía nước ngoài phát hiện chứ không phải VN. “Tại sao phía nước ngoài phát hiện ra mà không phải là VN? Điều này, báo cáo giám sát cũng nên có nghiên cứu để làm rõ vì sao lại như vậy”, bà Nga nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH Phan Thanh Bình thì nói rằng, đọc xong báo cáo thấy lo vì từ khâu đầu là vay vốn tới khâu cuối là sử dụng vốn, triển khai dự án đều có những hạn chế, bất cập. Những hạn chế thì báo chí, dư luận đã nêu vì có dư luận thì Ủy ban Thường vụ QH mới tiến hành giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là: Trách nhiệm thuộc về ai? “Khâu chuẩn bị cho dự án lâu là vì sao? Vì thủ tục? Vì con người? Hay vì cơ chế? Cần phải làm rõ”, ông Bình nêu câu hỏi, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần phải xác định rõ ai là người giám sát các dự án ODA để làm rõ trách nhiệm.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, phần chú thích của báo cáo đã chỉ ra khá rõ các thông tin về những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài nhưng lại chưa đưa ra những địa chỉ cụ thể. Dẫn lại hàng loạt các con số được nêu ra tại báo cáo, bà Hải đặt câu hỏi: “Đã có bao nhiêu tập thể, cá nhân bị xem xét trách nhiệm trong những việc này? Đề nghị đoàn giám sát đưa cụ thể vào báo cáo”.
Từ 2011 - 2016 vay nợ hơn 33 tỉ USD
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2011 - 2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỉ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỉ USD, chiếm khoảng 96%; ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỉ USD chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này. Bình quân trong giai đoạn 2011 - 2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỉ USD (tương đương khoảng 560.000 tỉ VND), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỉ USD chiếm 82,3%, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỉ USD chiếm 11% vay thương mại là 1,7 tỉ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân.
|
Bình luận (0)