Sự hiền hòa của Sói - Kỳ 33

26/07/2009 14:19 GMT+7

(TNTT>) Maria nhún vai: “Vài năm trước, có hai đứa trẻ chết đuối trong vịnh. Đó là một tai nạn kinh hoàng. Dĩ nhiên là cha mẹ chúng than khóc, nhưng vẫn sống tiếp. Bây giờ họ có vẻ hạnh phúc – cũng hạnh phúc như bất kỳ ai trong chúng ta”.

“Có lẽ vì không biết chắc đã xảy ra chuyện gì nên người ta khó chịu đựng được”.

“Như vậy lại khiến cho kẻ vô liêm sỉ lợi dụng niềm hy vọng, cho đến khi vơ vét hết sạch”.

Donald lại ngạc nhiên về lý lẽ của cô. Anh mơ màng nhớ lại lời của người cha, nói trong giọng điệu giảng giải: “Ý muốn gây sốc là tính trẻ con, rồi sẽ mất đi khi trưởng thành”. Tuy vậy, Maria không có vẻ gì là thiếu trưởng thành. Anh tự nhủ rằng mình không còn cần phải đồng ý với người cha nữa; hai người đã cách xa nhau qua hai lục địa.

Donald nói như chống chế: “Ông Sturrock không có vẻ như người giàu có”.

Maria nhìn qua phía sau Donald xuống con đường, rồi nhìn đến anh với nụ cười. Đôi mắt cô màu xanh, không giống như đôi mắt Susannah. “Chỉ vì anh thích ai đó nhưng không có nghĩa là anh tin tưởng được họ”. Rồi khẽ nghiêng đầu - như cách chế giễu phép lịch sự - cô bước đi xa khỏi anh.

Suốt cả buổi chiều còn lại và buổi tối, Donald xem xét qua mấy món di vật của Jammet, nhưng cũng như những người trước, anh không thể tìm ra món gì liên quan đến cái chết của Jammet. Tất cả được gom vào một chỗ khô ráo trong nhà kho, Jacob đã giám sát việc gom góp ở ngôi nhà gỗ vì lý do bảo vệ, và anh cùng Jacob xếp lại các món trong các thùng và hộp. Tất cả cộng lại thành tài sản nhỏ nhoi đến mức đáng ngạc nhiên. Donald cố không nghĩ đến việc tài sản của mình sẽ nhỏ nhoi ra sao khi các đồng nghiệp của anh sắp xếp nếu anh thình lình xa lìa cõi trần ai này. Chẳng hạn so với tình cảm sâu đậm anh dành cho Susannah thì mớ tài sản đó chẳng là gì cả. Anh dặn lòng mình phải viết thư cho cô ngay sau khi rời Caulfield – là chuyện phi lý, vì hai người vẫn còn ở chung mái nhà, và vì Donald đã quyết định chờ cho đến khi Mackinley và Knox quay về, thế thì anh còn lưu lại đây một hoặc hai ngày nữa.

Anh sẽ xin một tấm ảnh của cô, để lưu giữ. Dĩ nhiên, không phải là anh dự trù mình sẽ bị giết. Chỉ dự phòng thôi.

***

Khi tôi còn là đứa con gái nhỏ, khi cha mẹ tôi còn sống, tôi thường bị khổ sở bởi những sự kiện mà người ta gọi là “có vấn đề”. Tôi có nỗi sợ hãi đến tê liệt cả người khiến cho tôi không thể cử động được, thậm chí cũng không nói được gì. Tôi có cảm tưởng như đất đang dần trôi đi, và dường như tôi không thể tin cậy nơi mặt đất dưới chân mình – quả là một cảm giác đáng sợ. Các bác sĩ đo nhịp mạch cho tôi và nhìn vào mắt tôi rồi nói với tôi rằng cái chứng gì đó sẽ biến mất khi tôi trưởng thành (tôi nghĩ họ có ý nói đến hôn nhân). Tuy nhiên, trước khi có thể kiểm chứng giả thuyết này, mẹ tôi qua đời trong tình huống mù mờ. Tôi tin rằng bà tự tử, dù cha tôi bảo không phải. Bà đã dùng thuốc laudanum quá liều, dù có chủ đích hay không. Tôi càng thêm khổ sở với các cơn sợ hãi cho đến lúc cha tôi không chịu được nữa mà đưa tôi vào – không cần quanh co về điểm này – bệnh viện tâm thần, dù cho nó có một cái tên lạ lùng chỉ bệnh viện chữa trị người bị suy nhược. Rồi cha tôi cũng qua đời, để lại tôi cho một người giám hộ thiếu tận tâm, thế là tôi được đưa vào một bệnh viện tâm thần công – đấy là tôi trung thực nói ra bản chất đích thực của bệnh viện này.

Trong bệnh viện tâm thần công, laudanum được sử dụng rộng rãi. Ban đầu người ta cấp thứ thuốc này cho các cơn hoảng loạn đến dại người, rồi cuộc sống tôi phải tùy thuộc vào nó, thay cho cha mẹ và bạn bè mình. Thuốc được dùng để trấn áp bệnh nhân gây rối, nhưng chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng tôi thích được tự mình dùng thuốc, nên tôi dùng mưu mẹo để tìm cách lấy được thuốc. Tôi thấy dễ thuyết phục các nhân viên nam cấp thuốc cho mình, và vị giám đốc – một anh trai trẻ duy tâm có tên Watson – tôi có thể nắm thóp anh ta. Một khi bạn đã quen làm việc gì thì bạn thường quên tại sao khởi đầu bạn làm việc ấy.

Sau đó, khi chồng tôi nghĩ thói quen của tôi là rào cản cho tình thân quen giữa hai chúng tôi thì tôi không dùng thuốc nữa. Hay nói đúng hơn, anh ném đi phần thuốc laudanum của tôi, khiến cho tôi phải chịu đựng mà không có thuốc. Anh là người duy nhất nghĩ rằng cần phải trải qua sự phiền hà đó. Đấy giống như là tỉnh táo lại sau cơn say xỉn dài, và trong một thời gian tôi cảm thấy tuyệt vời. Nhưng trong cơn tỉnh táo, bạn nhớ lại những gì mà bạn đã quên - chẳng hạn tại sao ban đầu bạn cần đến loại thuốc ấy. Trong những năm về sau, khi gặp chuyện khó khăn, tôi biết rõ tại sao mình đã bị nghiện thuốc, thế nên trong mấy ngày qua tôi đã nghĩ đến laudanum thường xuyên như là tôi nghĩ đến Francis.

LTS: Ngày mai 27-7, tiếu thuyết “Sự hiền hòa của sói” sẽ chính thức phát hành tại hệ thống nhà sách Fahasa trên cả nước. Vì vậy TN TT&GT xin ngừng đăng truyện này tại đây. Mời bạn đọc đón đọc sách để theo dõi toàn bộ câu chuyện.

Tác giả: Steff Penney, Người dịch: Diệp Minh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.