Năm 2006, thông qua luật Cư trú, QH khi đó đã tạo ra một vài thay đổi, cởi bỏ khá nhiều quy định nhằm hạn chế việc đăng ký thường trú tại các TP lớn, tiệm cận dần với quyền Hiến định của công dân về tự do đi lại, tự do cư trú. Nhưng vì phương thức quản trị dân cư bằng sổ hộ khẩu không thay đổi nên những quy định trong luật Cư trú nhanh chóng trở thành vấn đề của nhà quản lý. Các hình thức lách luật lập tức trở nên phổ biến, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú đang được lấy ý kiến vẫn tiếp tục theo tư duy cũ, đưa ra thêm điều kiện siết nhập cư nói là nhằm bịt các kẽ hở. Chưa nói đây là một bước thụt lùi thì việc quy định diện tích ở 5 m2/người hoặc phải tạm trú 3 năm (thay vì 1 năm) khi đăng ký thường trú sẽ chỉ là hình thức, hoàn toàn không có tác dụng ngăn cản được nhập cư tự do mà còn làm tình hình thêm phức tạp; người dân phải lo “lách”, tạo điều kiện cho tiêu cực phí phát sinh, trong khi không giúp quản lý tốt hơn. Dù không đăng ký thường trú, không có hộ khẩu thì thực tế, khi có nhu cầu người dân vẫn di chuyển đến các TP, vẫn sinh sống tại đó.
Gốc gác của những lúng túng trong quản lý, “cởi” rồi lại “buộc” ấy là bởi vì, chúng ta đang duy trì phương thức quản lý dân cư quá lạc hậu. Hộ khẩu cùng với tem phiếu là con song sinh của thời kỳ bao cấp. Cùng với đó là ngăn sông cấm chợ, là những hàng người xếp rồng rắn chờ mua gạo, thịt. Tem phiếu đã hoàn thành sứ mệnh bao cấp và bị loại trừ, nhưng hộ khẩu thì vẫn còn.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từng nói: chúng ta đang lấy hộ khẩu để cản trở người dân thực hiện những quyền được Hiến pháp quy định như tự do đi lại, tự do cư trú, làm việc. Hộ khẩu đang là công cụ để chính quyền quản lý công dân, là mục tiêu hạn chế làn sóng di dân về các đô thị lớn. Nhưng thực tế cho thấy, mục tiêu này đã không thực hiện được.
Trên thế giới hiện chỉ còn 3 nước áp dụng quản lý dân cư bằng hộ khẩu là Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Các nước đều quản lý bằng thẻ cư trú hoặc thẻ an sinh. Công dân sinh ra được cấp một mã số và nhập hộ tịch. Khi thành niên họ có quyền tách hộ tịch và chuyển đến sinh sống ở bất kỳ đâu trên đất nước bằng một thủ tục đơn giản và không gặp phải sự phân biệt đối xử nào.
Nếu chúng ta khẳng định quyền tự do cư trú, tự do đi lại của công dân thì phải thay đổi cách quản lý con người bằng hộ khẩu. Bởi lẽ, sự dịch chuyển dân cư từ nông thôn ra TP là một tất yếu khách quan theo đà phát triển của kinh tế.
Chính quyền muốn quản lý dòng dân di cư, tránh áp lực cho các đô thị phải bằng các biện pháp phát triển kinh tế vùng, tạo điều kiện an sinh đồng đều cho các vùng miền hoặc bằng các biện pháp thuế dân cư, trao quyền lựa chọn nơi sinh sống cho người dân. Như vậy vừa hiệu quả, vừa đảm bảo tôn trọng quyền nhân thân.
An Nguyên
Bình luận (0)