Sinh tháng 12.1970, ông Võ Văn Thưởng (ảnh) được coi là một bí thư tỉnh ủy trẻ, dù chỉ còn mấy ngày nữa bước qua tuổi 42. Nhưng còn một tiêu chí khác về người lãnh đạo trẻ. Đó là, trẻ về tư duy, trẻ về xúc cảm. Theo tiêu chí ấy, thì Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi là người trẻ.
|
Quảng Ngãi phấn đấu tới năm 2020 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Thế nhưng, công nghiệp hóa (trong đó có dịch vụ) tác động trực tiếp tới đời sống người nông dân (cả tiêu cực). Người nông dân đã và sẽ còn bị mất đất - tư liệu sản xuất chính - trong khi chưa chuyển được sang làm công nghiệp hay dịch vụ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Muốn công nghiệp hóa, phải thu hút đầu tư, phải dành đất cho nhà đầu tư, cho nhà máy và các hoạt động dịch vụ. Và như thế, phải thu hồi một phần đất sản xuất nông nghiệp cho công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là phải làm thế nào để người nông dân sau khi bị thu hồi đất có thể chuyển đổi ngành nghề, được đào tạo để tham gia vào guồng máy công nghiệp hay dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề lớn và là nhiệm vụ lớn mà tỉnh phải giải quyết. Lợi ích của người dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Sự phát triển chỉ mang lại ý nghĩa thực sự khi người dân được no ấm.
Nhưng trong khi người nông dân chưa kịp chuyển đổi theo tiến trình ấy, thì làm sao giữ đất ruộng cho họ?
Phải phân loại đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, và quan trọng hơn, phải giữ lại đất trồng lúa theo đúng quy định, từ đó mới bảo đảm được an ninh lương thực cũng như sự bình ổn cho đời sống nông dân. Với những người nông dân có đất thuộc diện phải thu hồi, thì dứt khoát phải tạo cơ hội tái định cư bằng và tốt hơn nơi ở cũ cho họ. Tái định cư đây không chỉ là xây dựng nhà ở, mà quan trọng hơn, là phải tạo được môi trường lao động để người dân có thể làm ăn và có thu nhập tốt hơn tại nơi ở mới.
Trong khi việc tái định cư chưa ổn thì những dự án treo luôn là vấn đề gây nhức nhối cho người dân...
Sắp tới đây, tỉnh sẽ phải rà soát, đánh giá lại từng dự án đầu tư. Cùng lúc, chúng tôi chia sẻ tối đa với những doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung, và cũng nghiêm khắc với những nhà đầu tư thiếu thiện chí. Quảng Ngãi vẫn còn là tỉnh nghèo, luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư muốn làm ăn tại đây. Nhưng cũng cần thực hiện việc sàng lọc, lựa chọn những lĩnh vực đầu tư. Làm sao để Quảng Ngãi có thể phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường, chứ không phải kêu gọi đầu tư để lấy thành tích.
Quảng Ngãi đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất làm đầu tàu và động cơ cho phát triển công nghiệp. Nhưng nói như Tổng giám đốc Nhà máy lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang, thì “Nếu chúng ta vận hành tốt một nhà máy lọc dầu lớn như thế này mà người dân bên ngoài hàng rào nhà máy vẫn nghèo khổ thì sự tồn tại của nhà máy lọc dầu cũng không có ý nghĩa gì”. Từ đó, càng thấy công cuộc giảm và xóa nghèo cho người dân Quảng Ngãi là một sự nghiệp lớn và rất khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?
Quảng Ngãi còn 6 huyện miền núi thuộc diện huyện nghèo trong cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 50%. Nếu cộng thêm hộ cận nghèo, con số sẽ khiến ta phải giật mình: 70%. Con số ấy kéo tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh lên tới 21%. Giảm nghèo, vì thế, là một sự nghiệp lớn của toàn Đảng, toàn dân Quảng Ngãi. Và không thể hoàn thành nó trong một thời gian ngắn. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, muốn giảm nghèo bền vững thì phải giao đất giao rừng cho dân quản lý, để người dân có thể sống được từ đất và rừng. Phải tư vấn cặn kẽ và hiệu quả về khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho họ, theo cách nói bây giờ là “trao cho họ chiếc cần câu”. Nhưng phải là “cần câu thứ thiệt” có thể câu được “cá”. Bên cạnh đó, tổ chức cho con em người dân tộc học nghề, giải quyết việc làm. Cùng lúc đầu tư mạnh mẽ để phát triển giáo dục và nâng cao dân trí ở những vùng dân tộc ít người. Với các vùng nông thôn, thì phải giữ lại tỷ lệ đất trồng lúa hợp lý, cân đối với đất dành cho công nghiệp và dịch vụ. Phải giúp nông dân nâng cấp được chất lượng cây trồng và vật nuôi nhằm có lãi tương đối cao khi bán ra thị trường cũng là biện pháp tích cực chống tái nghèo.
Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, nhưng làm sao để những chính sách ấy trực tiếp tới được ngư dân?
Ngư dân còn là lực lượng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Sự hiện diện của ngư dân Quảng Ngãi trên những vùng biển như Hoàng Sa, Trường Sa chính là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những vùng biển đảo ấy. Thế nhưng, rút kinh nghiệm từ dự án đầu tư đánh bắt xa bờ chưa thành công những năm trước đây, cần phải có kế hoạch đầu tư và hỗ trợ đồng bộ cho ngư dân, nhưng phải thực tế và hiệu quả. Việc hỗ trợ tín dụng cho ngư dân cũng phải được thực hiện một cách hiệu quả, đưa tiền tới đúng tay ngư dân. Cùng lúc, phải có kế hoạch xây dựng thương hiệu thủy sản đủ mạnh cho xuất khẩu, giúp ổn định “đầu ra” cho sản phẩm của ngư dân...
Thanh Thảo
(thực hiện)
Bình luận (0)