Đó sẽ là đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trên thế giới với diện tích bằng Vatican, dân số tương đương dân số của một thành phố nhỏ, có lực lượng phòng thủ riêng, các hệ thống cung cấp điện và nước riêng.
An ninh trong an ninh
Theo Hãng tin AP, dự án trên ngốn hết 592 triệu USD. Tập đoàn First Kuwaiti Trading & Contracting (FKTC) của Kuwait được chọn thi công hầu hết các hạng mục, trừ phần bí mật nhất - các phòng làm việc thực sự của sứ quán - là do nhà thầu Mỹ đảm trách. Tòa đại sứ mới của Mỹ tọa lạc ở phía đông Dinh al-Samoud, là nơi từng được Saddam Hussein sử dụng trong thời gian cầm quyền, và đối diện với tòa nhà nơi ông này bị xét xử. Báo cáo của Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết khu liên hợp có diện tích 42 ha, bao gồm 21 tòa nhà được xây dựng kiên cố ở mức cao hơn 2,5 lần so với tiêu chuẩn thông thường. Những bức tường bao quanh khu liên hợp có nơi dày đến 5 mét.
Khởi công xây dựng vào giữa năm 2005 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm nay, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad lớn gấp 10 lần các sứ quán Mỹ khác và gấp 6 lần so với khu trụ sở LHQ ở New York. Ngoài 2 tòa nhà văn phòng ngoại giao chính, nhà của đại sứ, trợ lý và 6 tòa nhà căn hộ dành cho nhân viên, khu liên hợp còn bao gồm một hồ bơi, một thẩm mỹ viện, một phòng tập thể dục, một khu ăn uống, một trường học... An ninh cho khu liên hợp do lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đảm trách. Toàn bộ khu liên hợp được gắn các thiết bị công nghệ thông tin và giám sát tối tân nhất. Nhà máy điện, nước và xử lý nước thải trong khu liên hợp cũng hoàn toàn độc lập với các cơ sở tương tự của Baghdad.
Nhìn thấy từ không gian
Đại sứ quán hiện thời của Mỹ ở Iraq tọa lạc tại Dinh Cộng hòa cách khu liên hợp khoảng 1 km. Con số 5.500 người Mỹ và Iraq làm việc tại sứ quán hiện nay lớn hơn bất kỳ phái đoàn ngoại giao Mỹ nào khác trên thế giới. Họ hiếm khi ra khỏi Vùng Xanh để vào Vùng Đỏ vốn đầy bạo lực. Theo Báo Telegraph, tình hình bất ổn tại Iraq khiến Bộ Ngoại giao Mỹ ngày càng khó thuyết phục nhân viên đến đây làm việc. Đó cũng chính là lý do để Mỹ quyết định xây một cơ sở ngoại giao "hoành tráng" như trên.
Đội ngũ đông đảo của đoàn ngoại giao Mỹ (dự kiến sẽ tăng lên thành 8.000 người khi về trụ sở mới) tại trung tâm quyền lực Iraq đã gây ra làn sóng chỉ trích. Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ISG) đóng tại châu u đã đặt vấn đề: "Sự hiện diện của một đại sứ quán đồ sộ cùng trong khu Vùng Xanh với Chính phủ Iraq được người Iraq nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy ai thực sự nắm quyền ở nước họ". Theo Báo The Times, người dân Iraq cho rằng khu liên hợp lớn hơn bất kỳ công trình xây dựng nào dưới thời Saddam Hussein. Họ không mấy ấn tượng với tuyên bố của các kiến trúc sư rằng khu liên hợp sẽ có thể được nhìn thấy từ không gian (giống như Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc) mà chỉ thắc mắc về việc Bộ Ngoại giao Mỹ có trả đồng nào để có miếng "đất vàng" nói trên.
Nhà báo David Phinney thuộc tổ chức CorpWatch, người từng viết cho các báo, đài lớn như New York Times, Los Angeles Times, ABC..., cho rằng toàn bộ dự án là một câu chuyện bí mật. Bí mật từ chuyện Tổng thống G.Bush ban đầu đề nghị Quốc hội Mỹ chi hơn 1 tỉ USD cho dự án đến chuyện Bộ Ngoại giao Mỹ âm thầm tổ chức đấu thầu và rồi quyết định chọn một công ty ít tên tuổi, kinh nghiệm và có tiền sử bóc lột nhân công. Theo The Times, người Mỹ đang chuẩn bị cho ngày mở cửa lại Vùng Xanh, vốn đang bị "phong tỏa" để làm nơi Chính phủ Iraq và các cơ quan ngoại giao nước ngoài làm việc, cho cư dân Baghdad. Họ tin khu liên hợp sẽ là một nơi an toàn cho họ ở Baghdad, nhưng liệu nó có thực sự "miễn nhiễm" với bạo lực hay không thì chưa thể trả lời.
Trùng Quang
Bình luận (0)