Điều này gợi ra nhiều thắc mắc, và người ta ngờ rằng các cơ quan ngôn luận địa phương đã bị chính phủ của họ cấm đoán tường thuật tiếp về việc này.
Mối nghi ngờ còn được củng cố thêm khi một nguồn tin cho biết vua Louis Philippe không đồng ý tiếp phái bộ trong một nghi lễ chính thức mà chỉ chịu tiếp họ trong một buổi tiếp kiến trọng thể mà thôi.
Thống chế Jean-de-Dieu Soult, Chủ tịch Hội đồng Thượng thư Pháp |
T.L CỦA LÊ NGUYỄN |
Về sau, người ta mới tìm ra một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhà vua chọn một thái độ ứng xử như vậy. Đó là một thỉnh nguyện thư của các giám đốc chủng viện thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Paris gửi cho nhà vua, cảnh giác chính phủ Pháp về thái độ thù nghịch đối với các giáo sĩ phương Tây của triều đình Huế. Bức thư khá dài đề ngày 12.1.1841 là một tài liệu quan trọng phản ánh cái nhìn và tâm trạng của giới giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong những thập niên 1820 - 1830, khi họ phải sống và hoạt động trong khuôn khổ một chính sách khắc nghiệt về tôn giáo của vua Minh Mạng.
Phần đầu bức thư dành báo cáo với Pháp hoàng số giáo dân Thiên Chúa thu nạp được khoảng 450.000 người, song họ được đối xử rất khác biệt vào hai thời điểm khác nhau. Dưới triều Gia Long, vì nhớ tới công lao của giám mục Bá Đa Lộc trong cuộc chiến cam go với nhà Tây Sơn mà nhà vua dành cho giới giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa sự dễ dãi trong truyền đạo và theo đạo. Song dưới triều Minh Mạng, từ năm 1833, sự bức hại đối với hai giới này ngày càng nghiêm trọng. Bức thư kết luận: “Tâu Bệ hạ, tin tưởng hoàn toàn ở lòng nhân từ của Bệ hạ đối với thần dân, dù cho họ ở nơi nào trên thế giới, và trong mối quan tâm của Bệ hạ đối với những tiến bộ của tôn giáo và nền văn minh, những kẻ cầu xin này mong rằng Bệ hạ lưu ý đến cách đối xử tàn bạo mà các giáo sĩ Pháp đã phải chịu đựng ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đưa họ thoát khỏi cảnh nhũng nhiễu, bất công...” (BAVH tập 4/1928, trang 260 - 263).
Rõ ràng nội dung bức thư này mang lại những tình cảm vô cùng bất lợi cho phái bộ Trần Viết Xương. Nó vẽ lên một hình ảnh vô cùng đen tối của xã hội Việt Nam dưới góc nhìn của các giáo sĩ, đồng thời tác động mạnh lên tâm lý của chính phủ Pháp.
Tử tước Melbourne, Thủ tướng Anh năm 1835 - 1841 |
T.L CỦA LÊ NGUYỄN |
Cho rằng như thế vẫn chưa đủ tác dụng, các giám đốc ở Hội truyền giáo còn thông báo cho tòa thánh La Mã những nội dung trên và Đức Giáo hoàng cũng vội vàng viết thư cho vua Pháp Louis Philippe, khẩn khoản ông sử dụng quyền lực của mình để chấm dứt việc các giáo sĩ bị hành hạ tại Việt Nam. Nhiều giám mục viết thư cho Thống chế Soult, Chủ tịch Hội đồng Thượng thư và các thượng thư khác, được những người này hứa sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Mặt khác, Soult không chống lại quan điểm cần có một sự can thiệp mạnh bạo tại Việt Nam. Ông ta không ngần ngại nói thẳng với phái bộ Việt Nam là triều đình Pháp không sớm thì muộn cũng sẽ áp dụng một chính sách thích đáng với Việt Nam nếu việc hành đạo không được triều đình Huế chấp nhận trong thời hạn ngắn nhất. Phụ họa với Soult, Thượng thư Bộ Hải quân Pháp ra lệnh cho các tàu chiến Pháp ở Biển Đông (của Việt Nam) phải bằng mọi cách bảo vệ các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam (BAVH tập 4/1928, trang 263).
Những phản ứng bất ngờ đó làm cho Trần Viết Xương và phái bộ Việt Nam choáng váng. Họ sực nhớ đến cuộc chiến tranh nha phiến đang diễn ra trên đất nước rộng lớn Trung Quốc và nhận thức một cách đầy đủ rằng ở lại Pháp sẽ là một việc may ít rủi nhiều. Trong lúc thất vọng, họ nảy ra sáng kiến xuống tàu đi Anh, hy vọng tìm một lối thoát từ xứ sở sương mù.
François Guizot, Thượng thư bộ Ngoại giao Pháp (1840) |
T.L CỦA LÊ NGUYỄN |
Tại London, họ được Thủ tướng Anh là Huân tước Melbourne tiếp đãi nồng hậu và sau đó tham dự một cuộc hội đàm thân mật có sự tham dự của Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp François Guizot. Tuy nhiên, sự tốt bụng của người Anh cũng chỉ ở mức đó, họ không thể làm gì khác hơn khi mà người Pháp có quá nhiều lý do để lên án một chính sách đối ngoại đầy tính thù nghịch của triều đình Việt Nam đối với công dân của họ.
Cuối cùng phái bộ Việt Nam rời London, quay lại Pháp, đi đến Lorient thăm ông Vannier và bà Nguyễn Thị Sen. Gặp lại những người đồng hương sau 16 năm tưởng nhớ quê nhà, tay bắt mặt mừng, bà Sen không ngăn được những cảm xúc dâng trào. Song cuộc vui nào rồi cũng lụi tàn, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, bà bịn rịn tiễn chân phái bộ Việt Nam rời đất Pháp (BAVH tập 3/1916, trang 275).
Một năm sau (1842), Vannier qua đời, cảnh góa bụa chấm dứt niềm hy vọng của bà Sen được chồng đưa về thăm lại quê hương. Về phần phái bộ Trần Viết Xương - Tôn Thất Thường, khi họ về đến Huế thì mới hay tin vua Minh Mạng đã qua đời ngày 20.1.1841. (còn tiếp)
Bình luận (0)