Sự trỗi dậy của hiểm họa cực hữu: Cái gai trong chính trường Pháp

23/08/2010 23:48 GMT+7

Nhắc đến cực hữu tại Pháp là phải đề cập đến Jean-Marie Le Pen và đảng Mặt trận Dân tộc (FN), vốn đã nhiều lần khiến các đảng lớn lao đao.

Phong trào cực hữu xuất hiện tại Pháp từ nửa sau thế kỷ 19. Sau giai đoạn phát triển mạnh trong Thế chiến 2, phong trào cực hữu thoái trào và chỉ thật sự trở thành một tổ chức chính trị có ảnh hưởng kể từ khi Jean-Marie Le Pen thành lập đảng Mặt trận Dân tộc (FN) vào tháng 10.1972.

Kẻ phá bĩnh đáng gờm

Chưa bao giờ được xem là ứng viên sáng giá tại các kỳ bầu cử nhưng Le Pen và đảng FN lại luôn là mối họa tiềm ẩn của các đảng lớn vì ông là người thường tạo ra bất ngờ. Khởi đầu chỉ với 0,75% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1974, đến năm 1981, thậm chí Le Pen không thể ra ứng cử do đảng của ông không đáp ứng các tiêu chuẩn. Thế rồi, đảng FN đã tạo nên bất ngờ đầu tiên vào năm 1984, khi đạt đến 10,95% số phiếu bầu để dành 10 ghế nghị sĩ châu u.

Kể từ cột mốc ấy, FN luôn khiến đảng RPR (tiền thân của đảng UMP đang cầm quyền) và đảng Xã hội phải dè chừng. Vậy mà đảng Xã hội vẫn bị FN giáng một đòn choáng váng vào kỳ bầu cử tổng thống năm 2002: đại diện Lionel Jospin của họ bất ngờ chỉ xếp thứ ba, bị Le Pen vượt qua và giành luôn suất vào vòng hai với tổng thống đương nhiệm Jacques Chirac. Sự kiện này làm bùng nổ hàng loạt cuộc biểu tình chống chủ nghĩa cực hữu tại Pháp. Tuy ông Chirac tái đắc cử tổng thống với tỷ lệ cao kỷ lục 82,21%, nhưng Jean-Marie Le Pen đã khẳng định được mình chính là cái gai dai dẳng của UMP và đảng Xã hội.

Dù thường xuyên gây bất ngờ nhưng may thay Jean-Marie Le Pen vẫn chỉ dừng ở vai trò "kẻ khuấy động chính trường". Với đường lối chính trị theo chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại và kỳ thị, FN vẫn khiến đa số người Pháp e dè. Với khẩu hiệu "nước Pháp của người Pháp", Le Pen xoáy sâu những bài phát biểu của mình quanh các chủ đề thất nghiệp và an ninh. Giải pháp của ông là trả những người nhập cư về nước. Tuy không "sao y bản chính", nhưng chỉ cần vài chính sách hà khắc gần đây với những người dân nhập cư mang "bản sắc" Le Pen, Tổng thống Sarkozy đã khiến cộng đồng quốc tế nhìn nước Pháp bằng ánh mắt nghi ngại.

Kế thừa và xây dựng hình ảnh

Đã hơn 80 tuổi, Le Pen sẽ chính thức "thoái vị" tại đại hội toàn quốc đảng FN vào ngày 15-16.1.2011. Các ứng viên chính thức cho vị trí lãnh đạo FN là 2 Phó chủ tịch đương nhiệm: Bruno Gollnisch và Marine Le Pen, con gái của Jean-Marie Le Pen. Ông Gollnisch là bạn đường của ông Le Pen trong nhiều chuyến công du, gần đây nhất là tại "đại hội cực hữu quốc tế" ở Tokyo vừa qua. Cuộc chạy đua giành quyền kế vị Jean-Marie Le Pen hứa hẹn nhiều gay cấn nhưng đến giờ, Marine Le Pen vẫn được đánh giá cao hơn.

Bà Le Pen hiện đang khiến đảng UMP "mất ăn mất ngủ". Sau kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 3, Thứ trưởng chuyên trách các công ty vừa và nhỏ Hervé Novelli từng tỏ ra nghi ngại trên L'Express: "Bà Marine Le Pen chứng tỏ được khả năng len lỏi vào cử tri của UMP một cách đáng kinh ngạc". Hàng loạt sự kiện xảy ra gần đây đã chứng tỏ UMP đang đi theo con đường về an ninh, nhập cư và bản sắc mà FN đã vẽ ra từ hơn 30 năm nay. Thứ trưởng Nội vụ Alain Marleix lo lắng: "Marine Le Pen xuất hiện như một người mẹ bình thường, chứ không như một phần tử cực đoan nên bà có thể gây nhiều bất lợi cho chúng ta". Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie kết luận: "Bà Marine Le Pen khéo léo hơn cha và sẽ không mắc những sai lầm của ông ấy".

Marine Le Pen thừa nhận với L'Express: "Từ 8 năm nay, tôi luôn tạo cho FN hình ảnh một đảng phái chính trị bình thường, không cực đoan đối với các cử tri ủng hộ UMP". Bề ngoài là vậy nhưng hai cha con Le Pen vẫn giống nhau hoàn toàn về tư tưởng. Sẽ khó có chuyện Marine Le Pen hướng FN xa dần tinh thần cực hữu nếu giành được vị trí chủ tịch đảng này vào năm 2011.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.