Sự vô cảm mang tên Hiroshima

01/12/2007 14:48 GMT+7

Sự kiện phi công Paul Warfield Tibbets qua đời vừa qua đã làm thế giới nhớ lại một trong những thảm họa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại: Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima.

Dự án Manhattan

Tiền đề cho vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản được bắt đầu vào tháng 9.1942, khi Mỹ đề xướng Dự án Manhattan nhằm chế tạo bom nguyên tử. Nhà bác học Robert Oppenheimer đứng đầu nhóm các nhà khoa học nổi tiếng thực thi kế hoạch này với những quyền lực vô biên. Trước đó, Albert Einstein cùng một số nhà bác học khác vào năm 1939 đã viết thư cho Tổng thống Franklin Roosevelt thể hiện sự không tin tưởng vào Dự án Manhattan. Suốt đời mình Einstein luôn trăn trở với vấn đề đạo đức trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đến giữa năm 1944 thì hầu như Mỹ hoàn tất Dự án Manhattan và chuẩn bị đem áp dụng vào thực tế. Đơn vị đầu tiên nhận nhiệm vụ này là đoàn bay hỗn hợp 509 và chiếc B-29 được chọn là phương tiện chở bom nguyên tử. Lúc đó Mỹ vẫn chưa xác định thành phố nào của Đức hay Nhật Bản sẽ là mục tiêu ném bom nguyên tử. Bởi cuối năm 1944, Mỹ vẫn tin rằng phía Đức hầu như cũng hoàn tất việc chế tạo loại vũ khí này. Đến tháng 4.1945 thì đoàn bay 509 đã chuẩn bị được 14 ê-kíp với 50 lần bay tập thả bom nguyên tử. Đại tá Tibbets thông báo đoàn đã sẵn sàng chiến đấu, rồi đưa máy bay và các phi công xuống tàu sân bay. Vào thời điểm này Mỹ đã xác định mục tiêu tấn công sẽ là Nhật Bản, vì phía Đức không có cơ hội cho việc sản xuất bom nguyên tử nữa.

Những bước chuẩn bị


Quả bom Little Boy đã gieo bao chết chóc tại Hiroshima -Ảnh: USFG
Ngày 21.7.1944, quân Mỹ đổ bộ xuống đảo Tinian ở Tây Thái Bình Dương, rồi đến ngày 18.5.1945, đoàn bay 509 cùng khí tài đã đến đảo này và được biên chế vào đơn vị ném bom 313, chuyên oanh tạc Nhật Bản từ tháng 2.1945. Đoàn 509 được bảo vệ rất nghiêm ngặt và các thông tin về nó được giữ bí mật hoàn toàn.

Sau khi luyện tập trên mặt đất, đoàn bay 509 bắt đầu tiến hành việc chuẩn bị cho kế hoạch ném bom. Theo thông tin của một tạp chí quân sự thì đoàn 509, với 13 chiếc B-29 và 393 chiếc tiêm kích, trong vòng tháng 7 và tuần đầu tiên của tháng 8.1945 đã thực hiện 17 chuyến bay không mang bom; 15 chuyến bay nhóm gồm 90 máy bay ném bom các loại mang bom phá với mục tiêu là các đảo Chuuk, Marcus, Guguan, Rota thuộc quần đảo Marianas; 12 chuyến bay ném bom phá tấn công lãnh thổ Nhật Bản, trong đó ngày 22 và 29.7 đã ném 37 trái bom phá mô phỏng trái bom nguyên tử mang tên Fat Man sẽ thả xuống Nagasaki sau đó. Đại tá Tibbets rất tích cực trong việc chuẩn bị này khi trong tháng 7.1945, ông ta thực hiện 8 chuyến bay tập và 2 chuyến bay chiến đấu (mỗi lần kéo dài từ 8 - 12 giờ).

Cùng thời gian, tại bang New Mexico, Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Tổng thống Harry Truman đang họp tại Potsdam đã mừng rỡ thông báo tin này với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill. Đây cũng được coi là sự mở đầu cho “ngoại giao hạt nhân” và cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Truman nhân cơ hội này cũng muốn làm cho Stalin run sợ, nhưng lãnh đạo Liên Xô lạnh lùng lắng nghe rồi sau mới chúc mừng Tổng thống Mỹ. Điều này khiến cho phía Mỹ đoán già đoán non rằng phía Liên Xô có lẽ cũng đã có bom nguyên tử.

Tấn công gây sốc


Paul Tibbets và chiếc Enola Gay trước vụ ném bom Hiroshima -  Ảnh: US Army
Chiếc máy bay Enola Gay hiện được đặt trong Bảo tàng quốc gia hàng không và vũ trụ Mỹ. Đoàn bay 509 tiếp tục tồn tại và hiện thuộc biên chế của lực lượng không quân Mỹ. Trong thành phần của nó có máy bay ném bom tàng hình B-2. Riêng tuần dương hạm USS Indianapolis, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chở trái bom Little Boy tới Tinian, đã bị một chiếc tàu ngầm của Nhật Bản bắn chìm vào lúc 0 giờ 14 phút ngày 30.7.1945. Trong số 1.196 người trên tàu chỉ có 316 người được cứu sống.

Ngày 16.7.1945, quả bom nguyên tử đầu tiên - Little Boy - được mang xuống tuần dương hạm USS Indianapolis và đến ngày 26.7 thì đến đảo Tinian. Từ ngày 28.7 - 2.8.1945, trái bom Fat Man cũng được máy bay chở đến đây. Một ủy ban họp ở Mỹ chọn lựa các mục tiêu có khả năng tấn công là Kyoto, Hiroshima, Yokohama và thành phố Kokura là mục tiêu dự phòng. Ủy ban này cũng khuyến cáo không đánh các mục tiêu quân sự thuần túy vì chúng quá nhỏ, nên có thể bom sẽ đi chệch mục tiêu. Hơn thế nữa “điều này làm giảm hiệu quả tâm lý đối với kẻ thù”. Và theo đó nên hướng đến các thành phố có hơn 1 triệu dân cho phù hợp với tính năng và hiệu quả của bom nguyên tử, gây hiệu ứng tâm lý sốc đối với kẻ thù.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là Henry Stimson gạt Kyoto ra khỏi danh sách này rồi thay vào đó là Hiroshima vì cho rằng Kyoto có ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Theo thông tin sau này thì Stimson từng cùng vợ hưởng tuần trăng mật tại Kyoto nên ông có cảm tình với thành phố này. 

Sau khi nhận lệnh ném bom nguyên tử, đại tá Tibbets đã làm lễ thánh và lấy tên người mẹ mình - Enola Gay -  đặt tên cho chiếc B-29 số hiệu 82 của ông ta. Vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 6.8.1945, chiếc Enola Gay cất cánh từ đảo Tinian hướng về Nhật Bản. Trong thành phần đội bay còn có một máy bay dự bị, ba chiếc do thám và hai chiếc bảo vệ. Những chiếc máy bay do thám cần xác định chính xác mục tiêu đã được định trước.

Đến 7 giờ 10 thì đội bay đến bầu trời Hiroshima và sau đó 5 phút - 7 giờ 15 - thì phía Nhật phát hiện ra chiếc B-29 nhưng cho rằng nó bay thám thính nên không điều động máy bay tiêm kích để tấn công. Đến 8 giờ 14 phút 17 giây, trái bom được thả xuống. Lúc 8 giờ 15 phút 2 giây, quả bom nguyên tử Little Boy phát nổ tại Hiroshima tạo nên một đám bụi hạt nhân như cây nấm khổng lồ. 90% các tòa nhà tại đây bị phá hủy, khoảng 80 ngàn trong số 255 ngàn dân chết ngay lập tức, còn con số thiệt mạng sau này lên đến 140 ngàn người. 3 ngày sau đó - ngày 9.8.1945, Mỹ ném quả bom thứ hai xuống Nagasaki giết chết 74 ngàn dân thường.

“Hằng đêm, tôi ngủ thanh thản”

Paul Warfield Tibbets sinh ngày 23.2.1915 tại Quincy, bang Illinois. Năm 1937, ông ta gia nhập lực lượng không quân Mỹ và bắt đầu tham chiến từ tháng 8.1942 với tư cách là chỉ huy đội bay ném bom hạng nặng 340 tại Địa Trung Hải. Sau vài trận chiến, Tibbets trở về Mỹ học lái máy bay B-29 và vào ngày 17.12.1944 được bổ nhiệm làm chỉ huy đoàn bay 509.

Sau vụ ném bom nguyên tử, Tibbets tiếp tục phục vụ không quân Mỹ và đến năm 1959 được phong hàm tướng rồi được cử sang làm tùy viên quân sự tại Ấn Độ. Tuy thế, do sự phản đối từ nhiều phía, ông ta không sang được Ấn Độ và đến năm 1966 thì về hưu.

Điều đáng nói là phần lớn các sĩ quan của đoàn bay 509 không ân hận về những gì mình đã làm, họ không cảm thấy sợ hãi và tin rằng hành động của mình là đúng. Còn Thomas Furby, viên phi công đã ấn nút thả trái bom Little Boy, đôi khi tỏ thương tiếc vì số lượng nạn nhân quá lớn. Cá nhân Tibbets suốt đời luôn cho rằng ông ta hoàn thành nghĩa vụ của mình. “Hằng đêm, tôi ngủ thanh thản” – Tibbets nói với các nhà báo. Ông ta đã qua đời vào ngày 1.11 vừa qua ở tuổi 92. Chỉ có Claude Robert, một người trong đoàn bay 509, đã phát điên vào năm 1945 và chết vào năm 1978.

 Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.