Sửa đổi luật Luật sư phù hợp với thực tiễn hoạt động và hội nhập quốc tế

Phan Thương
Phan Thương
28/08/2023 13:30 GMT+7

Sau 15 năm thi hành luật Luật sư, lộ trình từ đây đến năm 2025 Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi luật Luật sư. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng tạo bước chuyển cho sự phát triển nghề luật sư cách mạng ở Việt Nam, được khai sinh từ cách đây 78 năm.


Sửa đổi luật Luật sư phù hợp với thực tiễn hoạt động và hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đến thăm và làm việc tại Công ty Luật Nishimura & Asahi ở ToKyo, Nhật Bản

PV Thanh Niên ghi nhận ý kiến một số lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số luật sư về các định hướng và nội dung cần hoàn thiện, thay đổi khi sửa đổi luật Luật sư trong thời gian tới.

Luật sư, tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Nâng vị thế của luật sư trong đời sống và tố tụng

Sửa đổi luật Luật sư phù hợp với thực tiễn hoạt động và hội nhập quốc tế - Ảnh 2.

Luật sư Phan Trung Hoài

ẢNH: NVCC

Thứ nhất, xem xét, thay đổi về địa vị pháp lý của luật sư như một chức danh tư pháp độc lập: Đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đang tạo môi trường thuận lợi trong việc nâng cao vị thế của luật sư trong đời sống và hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư như hiện nay là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác, quản lý luật sư thuộc khuôn khổ "bổ trợ tư pháp". Điều này vô hình trung đã giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị mà hoạt động của luật sư mang lại cho sự phát triển của xã hội và hoạt động tư pháp. Mặt khác, luật sư thực hiện chức năng bào chữa là chức năng cơ bản trong tố tụng, bình đẳng với các chủ thể tiến hành tố tụng khác. Do đó, việc xem xét, thay đổi về địa vị pháp lý của luật sư như một chức danh tư pháp độc lập sẽ nâng tầm vị thế của luật sư trong đời sống và trong tố tụng.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, tạo lập thị trường dịch vụ pháp lý: Một trong những định hướng sửa đổi, bổ sung luật Luật sư là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt hơn chức năng xã hội, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và định nghĩa về "dịch vụ pháp lý" (mã số 861) theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thứ ba, thiết lập mô hình quản lý luật sư thực chất và hiệu quả: Sửa đổi luật Luật sư theo hướng tiếp tục phân định rõ nội dung quản lý giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với hoạt động mang tính tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Nghiên cứu mô hình quản lý theo 4 phạm vi và cấp độ: (a) Quản lý nhà nước của cơ quan hành chính tư pháp; (b) Quản lý nghề nghiệp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư; (c) Tự quản của các tổ chức hành nghề luật sư; và (d) Phối hợp và giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các cơ quan báo chí, truyền thông và của người dân đối với hoạt động luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Xây dựng Công ty luật đa quốc gia trong tương lai

Sửa đổi luật Luật sư phù hợp với thực tiễn hoạt động và hội nhập quốc tế - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

ẢNH: NVCC

Điều 32, 33, 34 luật Luật sư quy định tổ chức hành nghề luật sư được thành lập dưới hình thức văn phòng luật sư, công ty luật (công ty hợp danh, Công ty luật TNHH MTV, công ty luật TNHH 2 thành viên trở lên); chỉ quy định luật sư được thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, không quy định pháp nhân được thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư khác. Việc quy định này đã tạo ra một số hạn chế đối với sự phát triển của công ty luật tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế sâu, rộng như hiện nay.

Hạn chế đầu tiên phải kể đến là pháp nhân trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng không thể trở thành thành viên của các công ty luật Việt Nam, dẫn đến việc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước không thể tham gia góp vốn, mua cổ phần thông qua việc cung cấp tiền mặt, công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, các công ty luật Việt Nam cũng không thể chuyển nhượng vốn cho các công ty luật Việt Nam khác.

Ngoài ra, luật sư thành viên của công ty luật Việt Nam không được phép thành lập công ty luật ở các quốc gia, khu vực tiên tiến như Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc), là các trung tâm kết nối của khu vực rồi sau đó quay lại Việt Nam mua vốn của chính công ty luật Việt Nam của họ, nhằm tạo ra một công ty luật đa quốc gia với nhiều chi nhánh và công ty con trên khắp khu vực và thế giới.

Do vậy, cần xem xét tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy các công ty luật Việt Nam có điều kiện phát triển, để trở thành những công ty đa quốc gia tầm cỡ trong khu vực.

Luật sư Vũ Lê Bằng, luật sư điều hành chi nhánh Công ty luật Nishimura & Asahi Việt Nam tại TP.HCM: Xem xét mở rộng phạm vi hành nghề bổ trợ hoạt động tố tụng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại của TCLSNN

Sửa đổi luật Luật sư phù hợp với thực tiễn hoạt động và hội nhập quốc tế - Ảnh 4.

Luật sư Vũ Lê Bằng

ẢNH: NVCC

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, số luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam ngày càng tăng. Đồng thời, ngày càng có nhiều chương trình hợp tác quốc tế tại các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam cho phép sinh viên nước ngoài được theo học các chương trình đào tạo luật Việt Nam và được cấp bằng cử nhân luật tại Việt Nam. Điều này cho phép luật sư nước ngoài có thể học thêm pháp luật Việt Nam và nhận bằng cử nhân luật tại Việt Nam nhằm phục vụ cho sự thuận lợi hành nghề tại Việt Nam.

Song, theo Điều 76 luật Luật sư hiện hành, phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài bao gồm tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp luật sư nước ngoài có bằng cử nhân luật của Việt Nam, luật sư nước ngoài được phép tư vấn pháp luật Việt Nam, ngoại trừ đại diện khách hàng tại tòa án Việt Nam, với điều kiện đáp ứng đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện tương tự này là như thế nào lại chưa được quy định cụ thể; hơn nữa nếu đủ điều kiện thì luật sư nước ngoài cần thực hiện thủ tục hành chính gì và với biểu mẫu để xin phép được tư vấn cũng chưa có.

Bên cạnh đó, Điều 70 luật Luật sư hiện hành, tổ chức luật sư nước ngoài (TCLSNN) và các luật sư của TCLSNN, bị hạn chế không được tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam; nhưng lại được thực hiện các hoạt động tố tụng khác như trọng tài thương mại, hòa giải và trung gian thương mại. Việc hạn chế này làm giảm đi hiệu quả các hoạt động tố tụng khác của TCLSNN. Bởi trong các vụ việc trọng tài mà TCLSNN tham gia, có khả năng phát sinh các vấn đề cần sự can thiệp, hỗ trợ của tòa án.

Vì vậy, nên chăng đối với các hoạt động tố tụng khác mà TCLSNN đang tiến hành như trọng tài, hòa giải thương mại, thi hành án dân sự, nếu có sự can thiệp, hỗ trợ từ tòa án, thì nên xem xét có sự ngoại lệ là cho phép luật sư của TCLSNN (hoặc có thể chỉ giới hạn cho luật sư Việt Nam trong TCLSNN) được tham gia đại diện khách hàng trong các thủ tục tố tụng bổ trợ cho các thủ tục trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại tại tòa án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.