Sữa học đường làm 'nóng' kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
05/12/2024 18:49 GMT+7

Câu chuyện sữa học đường trong bữa ăn dành cho các em học sinh miền núi làm 'nóng' kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam vào chiều nay (5.12).

Một số địa phương chưa bố trí được kinh phí để thực hiện nghị quyết về giáo dục, sách giáo khoa

Chiều 5.12, kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) bước vào phiên chất vấntrả lời chất vấn.

Chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Đình Tiên, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục. Tuy nhiên, qua giám sát hiện nay nhiều nghị quyết chưa được bố trí kinh phí, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các trường.

Sữa học đường làm 'nóng' kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026)

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Qua báo cáo giải trình của ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Tài chính, do công tác phối hợp chưa tốt, nghị quyết chưa có định mức cụ thể. Trong khi các địa phương chưa có đề xuất để bố trí kinh phí, nhưng qua rà soát thì Nghị quyết 36 ngày 9.12.2022 có quy định cụ thể nội dung mức chi về lựa chọn sách giáo khoa, thời gian nghị quyết thực hiện trong năm 2023 - 2024.

Tuy nhiên, đến nay đã gần hết năm 2024 nhưng một số địa phương vẫn chưa bố trí được kinh phí để thực hiện Nghị quyết 36 này. Vì vậy, đề nghị ông cho biết nguyên nhân vì sao chậm, trách nhiệm của Sở Tài chính trong công tác phối hợp, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện xây dựng dự toán hàng năm…

Trả lời chất vấn, ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết riêng Nghị quyết 36 về lựa chọn sách giáo khoa thì ngành giáo dục tỉnh phải tổng hợp tất cả các địa phương, mới đủ cơ sở để Sở Tài chính phân bổ kinh phí.

"Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua sở mới nhận được sự phối hợp của ngành giáo dục nên hiện nay chúng tôi đang tổng hợp để phân bố dự toán, triển khai thực hiện Nghị quyết 36 này theo đúng như quy định của HĐND tỉnh", ông Phong cho biết.

'Câu chuyện sữa học đường rất khổ cho Sở GD-ĐT tỉnh'

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng chất vấn vướng mắc do đâu khiến sữa học đường trong bữa ăn chưa được đến tay các học sinh miền núi trên địa bàn tỉnh.

Trả lời về vấn đề này, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận câu chuyện sữa học đường rất khổ cho Sở GD-ĐT tỉnh. Trước đây, HĐND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT chủ trì làm việc này, nhưng vì kinh phí lớn quá nên không thực hiện được. Ngay sau đó, HĐND tỉnh muốn chuyển chương trình này về cho các địa phương và hình thành, ra đời Nghị quyết số 17/2022/NQHĐND (Nghị quyết 17) ngày 20.7.2022 về chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Sữa học đường làm 'nóng' kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam- Ảnh 2.

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, chất vấn tại kỳ hợp

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Tường, dù chuyển chương trình về cho 6 địa phương miền núi cao và một số huyện, nhưng hiện nay có một số địa phương thì làm được nhưng có nơi thì không.

"Ở nơi nào quy mô nhỏ mà lãnh đạo các địa phương dám chuyển thẳng về cho các trường mua sữa không qua đấu thầu thì thực hiện được. Riêng những địa phương nào mà lãnh đạo huyện có chủ trương giao cho ngành giáo dục hoặc ngành tài chính mua tập trung thông qua đấu thầu thì không làm được", ông Tường nói.

Theo ông Tường, nếu đấu thầu thì rất ít người tham gia, thậm chí có 1 nhà thầu đấu trúng, nhưng rồi cũng hủy không dám công nhận cho họ trúng thầu nên không làm được.

Ông Tường cho rằng, đối với việc này, về trách nhiệm của Sở GD-ĐT tỉnh, rút kinh nghiệm nghị quyết trước, hướng dẫn rất cụ thể, còn đi kiểm tra, thảo luận với các địa phương. "Về trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp… của Sở GD-ĐT tỉnh với Nghị quyết 17 về sữa trong bữa ăn học đường thì chúng tôi đã làm tương đối đầy đủ trách nhiệm", ông Tường khẳng định.

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho hay liên quan đến chương trình sữa học đường thì giai đoạn đầu bị vướng, nhưng sau này thống nhất phân cấp về cho các địa phương thì qua giám sát của các ban của HĐND ở khu vực miền núi thì chúng tôi thấy không còn vướng gì nữa. Riêng H.Tây Giang hiện nay đã mua sữa hết xong rồi

"Lúc đầu khi Phòng GD-ĐT huyện tổ chức chấm thầu thì đơn vị cung ứng sữa có biểu hiện không minh bạch nên sau này bị truy tố. Tuy nhiên, hiện nay đã hoàn chỉnh lại hồ sơ và cơ bản sữa đã cấp hoàn toàn về cho các trường", ông Mia nói.

Ông Mia cho rằng, vướng mắc hiện nay là niên độ quyết toán ngân sách. Vì vậy, Sở Tài chính và Sở GD-ĐT phải có sự thống nhất, hướng dẫn phương pháp thanh quyết toán nguồn hỗ trợ mua sữa học đường để cho các địa phương có cơ sở tổ chức đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.