img
KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 1.

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về các "chỉ số phát triển công viên" của Hà Nội hiện nay?

- PGS - TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, công viên, cây xanh hết sức quan trọng đối với sự phát triển đô thị bền vững. Công viên cung cấp khu vực xanh mở, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, hấp thụ khí thải gây ô nhiễm và giảm thiểu hiệu ứng đảo ngược nhiệt độ trong các khu đô thị. Đồng thời, công viên là nơi tập luyện, vui chơi, giải trí cho cộng đồng, từ đó tăng cường sức khỏe, tạo không gian xã hội và gắn kết cộng đồng.

Vì thế, nhiều quốc gia cho rằng, một thành phố lý tưởng nên có một mạng lưới xanh liên kết, bao gồm không chỉ các công viên lớn mà còn cả các khu vườn nhỏ, vỉa hè cây xanh, và các khu đất trống được trồng cây. Các chuyên gia đề xuất tỷ lệ khoảng 7 - 10 cây xanh trên đầu người, còn diện tích công viên từ 9 - 15 m2/người là lý tưởng để cân bằng giữa không gian xanh và không gian xây dựng cho một thành phố lý tưởng.

Hà Nội của chúng ta cũng có ý thức về việc xây dựng một hệ thống các công viên, cây xanh phù hợp với điều kiện, đặc trưng riêng của thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, do áp lực của quá trình đô thị hóa, nguồn lực hạn chế và nhiều nguyên nhân khác, hệ thống công viên, cây xanh của thủ đô chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như kỳ vọng của nhân dân.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 2.

“Dàn nhạc cụ” của trẻ em ở công viên rừng Bờ Vở Chương Dương

QUỐC ĐẠT

* Việc chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa đáp ứng mục tiêu phát triển của công viên mặt nước cây xanh đó liệu có ảnh hưởng gì tới việc phát triển của Hà Nội - thành phố sáng tạo UNESCO đầu tiên tại Việt Nam không, thưa ông?

- "Chỉ số phát triển công viên" cũng gắn bó chặt chẽ với việc Hà Nội đang là thành phố sáng tạo. Cả hai yếu tố này đều đóng góp vào việc tạo ra môi trường sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố. Thành phố sáng tạo cần tạo ra môi trường khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực. 

Các công viên không chỉ là không gian xanh thư giãn mà còn có thể trở thành nơi các cộng đồng sáng tạo gặp gỡ, thảo luận, hợp tác và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề trong thành phố. Trong số đó, cũng có cả những giải pháp nâng cao chất lượng cho chính không gian công viên mặt nước cây xanh nữa…

Bên cạnh đó, các công viên có thể tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tương tác xã hội giữa người dân thành phố, tạo cộng đồng thân thiện gắn kết. Nhờ đó, khả năng thực hiện và thụ hưởng dự án sáng tạo của người dân cũng tăng lên. Khi công viên là khu vực xanh không gian mở thu hút người dân thư giãn, rèn luyện sức khỏe, tận hưởng thiên nhiên, một môi trường sống hấp dẫn sẽ hình thành, thu hút nhân tài, doanh nghiệp và đầu tư mới, tạo nên sự phát triển bền vững cho thành phố.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, sự phát triển của hệ thống công viên có mối quan hệ mật thiết với quá trình xây dựng thành phố sáng tạo ở Hà Nội khi vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, thúc đẩy sự giao lưu và tương tác xã hội, vừa tạo môi trường sống hấp dẫn cho cộng đồng thành phố sáng tạo.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 3.

Buổi tập yoga ở công viên Yên Sở gắn kết thế hệ

Nam Nguyễn

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 4.

* Hiện trạng công viên Hà Nội thế nào so với kinh nghiệm quốc tế, thưa ông?

- So với nước ngoài, chúng ta đang thiếu những công viên xanh tươi trù phú, giàu tài nguyên văn hóa đến mức có thể trở thành "danh thiếp văn hóa - giáo dục - môi trường" cho thành phố. Đó là điều nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, họ nhận thức rất rõ về việc công viên và không gian xanh trong thành phố để tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đô thị.

Tại Trung Quốc, nước này coi công viên là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển các thành phố. Chính phủ Trung Quốc đã đặt nhiều chính sách và mục tiêu nhằm xây dựng và quản lý các công viên trong các đô thị như: quy hoạch công viên để đáp ứng nhu cầu cộng đồng; triển khai chương trình xây dựng và nâng cấp các công viên đô thị; đặt mục tiêu bảo tồn và quản lý tốt các di sản văn hóa và thiên nhiên trong các công viên; khuyến khích tư nhân đầu tư và các đối tác công tư tham gia vào việc xây dựng và quản lý các công viên để tăng cường nguồn lực và kỹ năng quản lý trong phát triển công viên.

Trong khi đó, Nhật Bản lại đặt mục tiêu giữ gìn cảnh quan tự nhiên và tạo ra môi trường xanh trong thành phố. Các công viên và vườn hoa ở Nhật Bản thường rất được chú trọng đến cảm giác thư giãn và sự yên bình. Nhật Bản cũng khuyến khích việc sử dụng công nghệ hiện đại trong việc duy trì và quản lý các khu vực xanh. 

Công viên Ueno Park, biểu tượng văn hóa và môi trường của Tokyo, thu hút hàng triệu du khách và người dân tham quan mỗi năm. Ueno Park không chỉ có những cảnh quan đẹp và không gian xanh thoải mái mà còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, bao gồm những bảo tàng và đền đài quan trọng. Ngoài ra, công viên còn tổ chức các lễ hội, triển lãm và hoạt động văn hóa thường niên, đóng góp vào sự phong phú và sôi động của văn hóa Tokyo.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 5.

Công viên Central Park tại NewYork là một trong những biểu tượng của thành phố này

ĐINH NGỌC DŨNG

Công viên ở Mỹ thường có mục tiêu giáo dục và trải nghiệm. Các hoạt động giáo dục và du lịch trong công viên nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về môi trường tự nhiên và đóng góp vào việc bảo vệ các di sản thiên nhiên của đất nước. Công viên Central Park là biểu tượng văn hóa và môi trường của thành phố New York. Công viên diện tích 340 ha này cung cấp một không gian xanh lớn giữa khu đô thị đông đúc, và vẻ đẹp thay đổi liên tục theo mùa. Công viên thu hút hàng triệu du khách và cư dân địa phương mỗi năm qua các hoạt động giải trí, thể thao.

Công viên ở Anh thường có liên kết chặt chẽ với lịch sử và di sản văn hóa của quốc gia. Nhiều công viên nằm trong khu vực có giá trị lịch sử, nhưng cũng được thiết kế và bảo tồn một cách hiện đại để phục vụ cư dân, khuyến khích tương tác xã hội. Hyde Park là một trong những công viên lớn nhất tại London. Di sản quốc gia Anh này đã trở thành biểu tượng văn hóa và môi trường của thủ đô London. Hyde Park thu hút nhờ hoạt động ngoài trời như chạy bộ và tản bộ, cũng như nhờ cảnh quan và cơ sở hạ tầng văn hóa như vườn tiểu cảnh, các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và sự kiện.

Những công viên trên đều là các ví dụ điển hình về cách mà việc phát triển các công viên có thể tạo ra môi trường sống đáng sống và gắn kết cộng đồng, đồng thời đóng góp vào văn hóa, lan tỏa thông điệp sáng tạo và bảo vệ môi trường của các thành phố.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 6.

Người già tập thể dục ở công viên để nâng cao chất lượng cuộc sống

TRỌNG CHÍNH

* Những con số thống kê về công viên mới nhất cũng đã không còn mới nữa, từ 2017. Cùng lúc, sức ép dân cư tăng liên tục, nhu cầu công viên cũng tăng liên tục. Chúng ta có nên có những quy định cụ thể về việc thống kê, đánh giá chất lượng công viên hằng năm hay không, để có những hỗ trợ kịp thời? Chúng ta cũng nên có những giải pháp gì để thúc đẩy mau chóng chất lượng, số lượng công viên, thưa ông?

- Tôi nghĩ, trước mắt rất cần một cuộc "tổng kiểm kê" công viên trên địa bàn Hà Nội. Như thế, chúng ta có thể đánh giá được tình trạng và hiệu quả sử dụng của các công viên, từ đó hỗ trợ quyết định và triển khai những giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng và số lượng công viên. Việc thống kê này cũng nên được thực hiện hằng năm để đáp ứng nhu cầu thay đổi chóng mặt của dân cư.

Để nâng cao chất lượng, số lượng công viên, theo tôi cũng cần thực hiện một số việc sau:

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 7.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 7.

* Cũng là chuyện chính sách, những ví dụ nước ngoài mà ông nhắc tới có một điểm đáng chú ý. Đó là sự tích hợp thêm giá trị văn hóa lịch sử cho công viên bên cạnh giá trị xanh. Có nghĩa là các công viên hoàn toàn có thể trở thành công viên di sản - một khái niệm chưa có trong luật Di sản của chúng ta.

Công viên ở Hà Nội chứa nhiều giá trị văn hóa, giá trị di sản. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để tích hợp và đẩy nổi bật chúng lên thành câu chuyện. Chúng ta có công viên Thống Nhất là thành quả của biết bao người dân thủ đô đi đào hồ, xây dựng công viên. Chúng ta có Bách Thảo là nơi ươm trồng, giữ các giống cây từ thời Pháp và tới giờ vẫn có rất nhiều giống cây quý. Bản thân công viên Bách Thảo cũng có một điện thờ đã được công nhận di tích cấp quốc gia. 

Nếu như Tràng An đã được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp thì tại sao các công viên ở Hà Nội lại không thể trở thành dạng di sản hỗn hợp như vậy. Hoàn toàn có thể có những công viên di sản ở Hà Nội.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 8.

Bác Hồ trồng cây trong công viên Thống Nhất, đây là công viên mang mơ ước Bắc - Nam một nhà, một câu chuyện văn hóa lịch sử hấp dẫn

T.L

Việc tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử vào các công viên và phát triển chúng thành công viên di sản là một ý tưởng đáng được xem xét một cách thỏa đáng. Nó có thể đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và đất nước chúng ta. Các công viên di sản có thể trở thành không gian vừa du lịch, vừa giáo dục và bảo tồn giá trị văn hóa và thiên nhiên của đất nước.

Nếu muốn thúc đẩy việc phát triển các công viên di sản, có thể cân nhắc xem xét việc điều chỉnh luật Di sản hoặc ban hành các quy định mới để hỗ trợ việc tạo lập, quản lý và phát triển các công viên di sản. Khái niệm "công viên di sản" có thể bao gồm các nguyên tắc và quy định liên quan đến bảo tồn, phát triển và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên trong các công viên. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý di sản, cơ quan quản lý công viên và cộng đồng địa phương.

KỲ 5: SỬA LUẬT THỦ ĐÔ, LUẬT DI SẢN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG VIÊN - Ảnh 9.

Trò đạp vịt êm đềm trong hồ công viên

TRỌNG CHÍNH

* Sửa luật Di sản là "luật xa", còn "luật gần" chính là luật Thủ đô. Trong luật Thủ đô, cũng như dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, chúng ta thấy từ "công viên" chỉ được nhắc tới trong điều luật về bảo vệ môi trường. Như vậy, có phải chúng ta đang quên mất "tư cách" thiết chế văn hóa của công viên hay không. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Rõ ràng, những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh của Hà Nội có thể được cải thiện khi chúng ta lồng ghép những mục tiêu này vào luật Thủ đô (sửa đổi). Việc bảo vệ và quan tâm đến công viên với tư cách thiết chế văn hóa cần phải xem là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, sáng tạo, bền vững và đáng sống.

Chính vì thế, luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập đến tư cách thiết chế văn hóa của công viên có thể ảnh hưởng đến việc quan tâm và thúc đẩy giá trị văn hóa của các công viên trong quy hoạch và quản lý đô thị sau này. Để đảm bảo công viên không chỉ đáp ứng yêu cầu về môi trường, chức năng công cộng mà còn thể hiện bản sắc văn hóa của thủ đô, các cơ quan liên quan nên xác định công viên là một thiết chế văn hóa. Từ đó, chúng ta giúp công viên được xem xét một cách toàn diện hơn trong các kế hoạch, quy hoạch, phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa đặc biệt này.

Việc bảo tồn và phát triển các công viên với tư cách thiết chế văn hóa không chỉ góp phần tạo nên một môi trường sống tốt hơn cho người dân mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố, góp phần tạo nên một Thành phố sáng tạo Hà Nội phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.