Sức ép lên thí sinh

02/08/2015 06:00 GMT+7

Đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong cả quá trình của kỳ thi THPT quốc gia . Chỉ mỗi việc với tổng điểm có được, nên nộp vào trường nào để nhiều khả năng trúng tuyển nhất, cũng khiến thí sinh và phụ huynh đau đầu tính toán.

Đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong cả quá trình của kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ mỗi việc với tổng điểm có được, nên nộp vào trường nào để nhiều khả năng trúng tuyển nhất, cũng khiến thí sinh và phụ huynh đau đầu tính toán.
Nhất là khi năm nay, nhiều trường ĐH thuộc tốp đầu đã công bố mức điểm xét tuyển bằng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT.
Tăng thêm mối lo này là những vấn đề lẽ ra không nên có như nhiều thí sinh (TS) chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi ngay sát ngày bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển, có sự chênh lệch điểm thi trên mạng và giấy báo điểm, phập phồng về rủi ro phần mềm xét tuyển chung sẽ gây thiệt thòi cho TS.
Ngay trong ngày công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã nhắc nhở ngưỡng tuyển năm nay khá dồi dào vì thế các trường không nên đưa ra ngưỡng quá thấp so với sức thu hút của mình mà gây khó khăn cho TS vì phải rút hồ sơ ra rồi nộp vào trường khác. Vậy mà cũng có rất nhiều trường, đáng nói hơn - những trường lớn - lại định mức điểm xét tuyển vào trường ngang mức sàn, bằng với mức các trường tư gặp khó khăn trong tuyển sinh. Mặc dù những trường này thừa sức biết rằng điểm thật sự vào trường sẽ cao hơn rất nhiều nhưng để an toàn, nhằm hoàn tất việc xét tuyển trong đợt 1, các trường đã tính toán phương án này.
Như thế là không sòng phẳng với TS và cả các trường/ngành khác. Dựa vào mức điểm mà các trường công bố, sẽ không ít TS cao hơn vài điểm vẫn hy vọng nộp hồ sơ. Để vài hôm nữa họ phải chạy ngược chạy xuôi rút ra, nộp vào trường khác. Dù Bộ và các trường luôn khẳng định tạo mọi điều kiện cho TS rút hồ sơ nhưng như lãnh đạo của nhiều trường từng nói việc này không thể thực hiện trong vài giờ mà phải ít nhất một vài ngày. Phải rút nơi này, nộp vào nơi khác là chuyện chẳng đặng đừng. Tiếp xúc nhiều với phụ huynh và TS hẳn các trường đều biết họ đã hết sức căng thẳng rồi, không cần phải gây sức ép thêm nữa.
Theo kế hoạch ban đầu, việc xét tuyển năm nay sẽ thực hiện trên phần mềm quản lý thi chung toàn quốc. Nhưng với tốc độ truy xuất dữ liệu một TS mất từ 3 - 5 phút trong buổi sáng qua thì các trường đành phải chọn phương án chỉ nhập dữ liệu thô bên ngoài, sau đó cuối ngày mới đưa vào phần mềm chung và… chờ kết quả trong một vài ngày tới.
Dù đã bước vào giai đoạn xét tuyển nhưng phần lớn những người làm công tác tuyển sinh ở các trường vẫn còn rất hoang mang về phần mềm xét tuyển chung mà họ chỉ mới được tập huấn lý thuyết chứ chưa trải nghiệm. Đó là chưa kể còn bao nhiêu vấn đề liên quan đến xét tuyển mà phần mềm chung khó có thể giải quyết được, đặc biệt khi mỗi trường có một cách xét tuyển riêng. Những vấn đề này đều sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của TS. Nhiều trường dự đoán trong những ngày tới sẽ có nhiều bất ngờ xảy ra khi xét tuyển. Cũng vì lo ngại rủi ro phần mềm xét tuyển chung mà hầu hết các trường đều xây dựng phần mềm riêng để “tự xử” nếu có trục trặc.
Cuối cùng, một quan ngại khác xuất phát từ cách xét tuyển năm nay là vấn đề định hướng nghề nghiệp. Bộ cho TS có 4 nguyện vọng trong cùng 1 trường ở đợt 1, và 3 đợt xét tuyển sau mỗi đợt cũng chừng ấy nguyện vọng. Cách này giống như Bộ trao cho TS quyền được học ĐH. TS chỉ chăm chăm làm sao trúng tuyển vào một trường nào đó mà đôi khi không cần biết đến mình có năng lực, đam mê với ngành học đó hay không.
Vì thế, đây là lúc có lẽ cũng cần nhắc lại với TS rằng, quan trọng hơn việc có trúng tuyển vào một trường ĐH nào đó hay không, là chọn được một ngành học đúng với năng lực, là thực hiện được ước mơ, hoài bão về một nghề nghiệp trong tương lai. Bởi ai cũng biết một khi không yêu, không đam mê, không phù hợp thì không thể đi đến cùng được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.