VN là chặng dừng chân đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ trong chuyến công du đến 3 nước châu Á gồm VN, Philippines và Hàn Quốc từ ngày 22.1 đến ngày 1.2. Chuyến đi của ông Jose W. Fernandez được nhấn mạnh nhằm tập trung gia tăng cơ hội thương mại, thúc đẩy năng lượng sạch, hợp tác chuỗi cung ứng và chip bán dẫn. Đặc biệt, nói về những cơ hội đầu tư giữa hai nước trong ngành chip bán dẫn, ông lưu ý vào năm 2022, khoảng 1.000 tỉ vi mạch được giao dịch trên toàn cầu. Theo Đạo luật chip và khoa học (Chips and Science Act) được thông qua vào năm ngoái, Mỹ cam kết đầu tư hơn 50 tỉ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường này, bao gồm Quỹ An ninh công nghệ quốc tế và đổi mới (ITSI Fund). Cụ thể, việc đầu tư nói trên nhằm mở rộng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn…
Ông Jose W. Fernandez thông tin, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được 500 triệu USD để xây dựng mạng lưới đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực chất bán dẫn trong thời gian 5 năm. Một phần nguồn tài trợ của Quỹ ITSI đang đến VN. Mỹ và VN sẽ hợp tác mở rộng nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn ở cả hai nước. VN hiện có lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch, là đối tác quan trọng trong sáng kiến này. Do đó sự hợp tác là nhằm đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái vi mạch toàn cầu, giải quyết thách thức phát triển nguồn nhân lực ở cả hai quốc gia.
Trong thực tế, câu chuyện về bán dẫn, hợp tác giữa VN và Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã được triển khai mạnh mẽ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến VN vào tháng 9.2023. Đã có những ký kết hợp tác về hỗ trợ đào tạo, đầu tư, mở rộng đầu tư mang tầm chiến lược giữa 2 nước và giữa các nhà đầu tư ngành bán dẫn Mỹ đến VN. Mới đây nhất, ngày 26.1, tại sự kiện "Gặp gỡ Đà Nẵng 2024", TP.Đà Nẵng đã trao bản ghi nhớ trong đào tạo hợp tác nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn với Tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel…
Tuy vậy, vấn đề đất hiếm - nguyên liệu chiến lược về sản xuất chất bán dẫn - lần đầu tiên được đề cập cụ thể và được coi là trọng tâm nghị trình làm việc của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ là rất đáng chú ý. Bởi theo số liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất của Mỹ trước đó, VN hiện đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng và tài nguyên đất hiếm với khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Đặc biệt, VN cũng là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm tích hợp theo chiều dọc và đã thu hút sự quan tâm từ các công ty trong nhiều lĩnh vực. Về tính chất, nhóm nguyên tố đất hiếm, gồm 17 loại có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, hiện đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng theo hướng carbon thấp trên toàn cầu. Đây là nhóm vật liệu được sử dụng cho mục đích tồn trữ năng lượng và nam châm vĩnh cửu, cũng như các ứng dụng công nghệ quốc phòng. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần nguồn cung đất hiếm ổn định và rất lớn. Và Mỹ đang hướng tới hợp tác với VN trong lĩnh vực này, theo hướng khai thác an toàn cho môi trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm.
"Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ cũng cho thấy, dự kiến đến năm 2030, VN sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng nhấn mạnh, đất hiếm là "át chủ bài" cho VN phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu. Các nền công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được sử dụng cho xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. "VN có nguồn trữ lượng đất hiếm dồi dào, nhưng chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, an toàn cho môi trường. Thế nên, nếu hợp tác và được Mỹ hỗ trợ để thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác, chế biến…, chắc chắn VN sẽ có vị thế tốt, bảo đảm trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cơ hội cho VN là rất lớn", chuyên gia Khương Quang Đồng nhấn mạnh.
Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Ngọc Dương
Sản xuất chip nói riêng hay tham gia ngành công nghiệp bán dẫn nói chung đã và đang được nhắc đến nhiều không chỉ ở các cuộc gặp gỡ mang tính hợp tác toàn diện của lãnh đạo nhà nước mà đang dần dần trở thành mục tiêu hành động của nhiều tỉnh, thành phố và các ngành của VN. Cách đây 2 ngày (26.1), TP.Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, công nghệ bán dẫn là lĩnh vực công nghệ số, và là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Các chip tiên tiến nhất thường được thiết kế ở Mỹ và Nhật, các hệ thống máy móc tinh xảo dùng cho sản xuất chip chủ yếu được chế tạo ở Hà Lan, các dây chuyền sản xuất chip chủ yếu ở Đài Loan và Hàn Quốc, việc kiểm tra và đóng gói thường được thực hiện ở Trung Quốc. Công nghiệp chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Vì vậy, sự hợp tác và tín nhiệm giữa VN và các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng. VN là nước duy nhất có mối quan hệ chiến lược toàn diện rất tốt với cả các nước, lãnh thổ có ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu và mới nổi.
Trên thực tế, đến nay VN đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ cũng như quan hệ toàn diện với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mới nhất, tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte với Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu tháng 11.2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh các doanh nghiệp (DN) Hà Lan quan tâm VN vì sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi. Ông nhất trí tích cực đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - VN (EVIPA) và khẳng định sẽ hỗ trợ VN phát triển bền vững nghề cá. Hai bên nhấn mạnh KH-CN và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực mang tính đột phá. VN và Hà Lan sẽ khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác giữa hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Hay trong lĩnh vực bán dẫn, một báo cáo đầu năm 2023 của Bộ TT-TT công bố cho thấy VN đứng thứ ba châu Á về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. VN cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Tính từ tháng 2.2022 đến tháng 2.2023, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip VN tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2.2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2.2023, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này. Trong thời gian đó, VN là một trong sáu thị trường tăng trưởng dương, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines giảm...
Trao đổi với PV Thanh Niên, các chuyên gia công nghệ đều cho rằng, việc hợp tác trực tiếp với các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho DN trong nước. Bởi nếu hợp tác qua đối tác thứ ba, VN chỉ giải được bài toán nhân công, không nắm được chương trình sản xuất, dây chuyền, công nghệ sản xuất.
Chuyên gia vi mạch, GS-TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh, đất hiếm là lợi thế rất lớn cho VN trong chuỗi cung ứng chip thế giới. Nguồn tài nguyên quý nếu được khai thác đúng kỹ thuật sẽ giúp VN từng bước tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, các quy hoạch trong lĩnh vực đất hiếm của VN hiện vẫn chưa hoàn thành. Mỹ đặt vấn đề về đất hiếm, đồng nghĩa hối thúc chúng ta sớm hoàn tất quy hoạch để thu hút đầu tư. Hiện tại, năng lực của DN trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ Mỹ, kể cả khâu thiết kế vi mạch. VN đang có lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch. Tuy nhiên, nếu không làm chủ được công nghệ, không khai thác được mảng nguồn nguyên liệu, thiết kế… thì giá trị gia tăng VN thu về trong ngành công nghiệp bán dẫn khó đạt như kỳ vọng.
Đồng tình, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định VN đang có rất nhiều lợi thế so sánh. Trước hết đó là lợi thế về tài nguyên, lực lượng lao động trẻ dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Song song đó, VN đã có quan hệ đối tác với rất nhiều quốc gia trên thế giới và ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực, hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn như VN đứng thứ 4 về xuất khẩu điện thoại khi có sự hiện diện của các tập đoàn lớn đầu tư sản xuất tại VN. Như vậy nền tảng của hệ thống sản xuất công nghiệp từ đầu vào đến đầu ra đều đã có. Thời gian gần đây, VN đã thể hiện sức hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ nhiều quốc gia khác trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm rủi ro của các tập đoàn sản xuất lớn và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Một số tập đoàn lớn trong nước như Viettel, FPT, Vingroup cũng đã có những thành công và thể hiện quyết tâm tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong ngành công nghệ cao như chip, bán dẫn. Tuy nhiên từ các lợi thế đến hiện thực vẫn còn khoảng cách xa. Trong giai đoạn hiện nay mới là bước đầu để VN đón cơ hội tham gia mạnh hơn vào chuỗi sản xuất ngành bán dẫn, cần xem xét nghiên cứu kỹ chiến lược, chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Hiện các tập đoàn ngoại, những "đại bàng" vẫn đang kỳ vọng và trông chờ VN có thể duy trì được các ưu đãi hấp dẫn sau khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để họ tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)