6 đột phá y học ra đời từ hai cuộc chiến tranh thế giới

02/04/2016 09:34 GMT+7

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh kéo dài và lan rộng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại trước đây.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh kéo dài và lan rộng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại trước đây.

Walter Yeo, người đầu tiên được phẫu thuật thẩm mỹ, trước (trái) và sau (phải) phẫu thuật vào năm 1917 - Ảnh chụp màn hình Medical DailyWalter Yeo, người đầu tiên được phẫu thuật thẩm mỹ, trước (trái) và sau (phải) phẫu thuật vào năm 1917 - Ảnh chụp màn hình Medical Daily
Thế chiến thứ I (1914 - 1918) và Thế chiến thứ II (1939 - 1945) mãi mãi thay đổi cục diện thế giới, biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến hàng triệu người vô tội.
Nhưng cũng trong hai cuộc chiến khốc liệt này, nhân loại đã được chứng kiến sự ra đời của nhiều thành tựu y học mang tính đột phá, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
Phẫu thuật thẩm mỹ
Trong những năm diễn ra Thế chiến thứ I, nhờ vào những tiến bộ trong điều kiện vệ sinh y tế, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, nhiều binh sĩ không những được cứu sống mà còn được chỉnh sửa các vết thương gây mất thẩm mỹ trên cơ thể.
Tiến sĩ Harold Gillies, người được cho là cha đẻ của phẫu thuật thẩm mỹ, được quân đội Anh phân công để phẫu thuật các vết thương “rùng rợn” của binh lính khi về nước. Để làm điều này, các bác sĩ lúc bấy giờ đã sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như lấy da, sụn từ các bộ phận khác của cơ thể và cấy chúng vào vùng bị tổn thương. Thậm chí một thất bại của tiến sĩ Gillies trong việc lấy da với tỉ lệ không chuẩn xác cũng đã trở thành kiến thức cơ bản được giảng dạy trong ngành y khoa về phẫu thuật thẩm mỹ.
Điều trị tê cóng
Tội ác chiến tranh khủng khiếp nhất của Thế chiến thứ II đã dẫn đến phương pháp điều trị tê cóng và một trong số đó vẫn còn được sử dụng đến ngày hôm nay. Đơn vị 731 của quân đội Nhật Bản đã tạo ra và phát triển vũ khí chiến tranh sinh học và thí nghiệm trên những người vô tội, chủ yếu là tù nhân chiến tranh, nông dân, người nghèo ở Trung Quốc.
Chính điều này đã buộc các bác sĩ ở Nhật Bản nghĩ ra hướng điều trị cho chứng tê cóng. Chi phí cho sự đột phá y học này là một số lớn tù nhân chiến tranh được đưa vào môi trường nhiệt độ thấp, ngâm nước để cho tê cóng. Nhưng nhờ vậy, các bác sĩ biết được rằng ngâm tay chân tê buốt trong nước từ 37 - 50 độ C là cách tốt nhất để điều trị chứng tê cóng.
Băng vệ sinh
Trong Thế chiến thứ I, lần đầu tiên một loại vật liệu gọi là Cellucotton được sử dụng như lớp quần áo trong điều trị phẫu thuật cho binh sĩ. Tuy nhiên, chính những y tá trên chiến trường đã nhận ra loại vật liệu đa năng này có thể phục vụ cho mục đích khác trong việc vệ sinh của phụ nữ.
Cuối cùng, chất liệu này được sản xuất cho mục đích cụ thể là giúp vệ sinh cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Nó được đổi tên thành Kotex và được bán ra thị trường lần đầu vào năm 1920.
Ngân hàng máu
Mất máu luôn là một torng những nguyên nhân chính gây tử vong cho người lính trên chiến trường. Trước Thế chiến thứ I, truyền máu được cho là một thủ tục mạo hiểm. Tuy nhiên, trong chiến tranh, quân đội Anh đã bắt đầu thường xuyên truyền máu trong điều trị cho thương binh.
Lúc đầu, máu chỉ đơn giản được truyền trực tiếp từ một bệnh nhân. Nhưng bác sĩ quân đội Mỹ Oswald Robertson đã thấy rằng tốt hơn nên có nguồn máu dự trữ để điều trị ngay khi cần. Robertson đã mở ngân hàng máu đầu tiên vào năm 1917, sử dụng sodium citrate để bảo quản máu. Mặc dù cách thức lưu trữ máu đã thay đổi, nhưng sáng kiến ngân hàng máu vẫn là một phần quan trọng trong y học hiện đại.
Khoa học dinh dưỡng
Thế chiến thứ II đã giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về khoa học dinh dưỡng. Trong chiến tranh, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu để tìm ra khẩu phần có tối đa năng lượng của binh lính và qua đó thấy rằng các vitamin và khoáng chất là quan trọng nhất đối với sức khỏe con người.
Theo Bảo tàng Quốc gia Thế chiến thứ II, các nghiên cứu đã xác định lượng calo cần thiết cho từng hoạt động thể chất khác nhau. Điều này góp phần chuẩn bị, lưu trữ, xử lý và bảo quản thực phẩm.
Điều trị vết thương
Theo BBC, mặc dù thuốc kháng sinh chưa được phát hiện cho đến năm 1928, và không được sử dụng rộng rãi cho đến những năm 1940, nhưng các vết thương của thương binh trong Thế chiến thứ I vẫn được khử trùng và giữ sạch sẽ nhờ kỹ thuật Carrel - Dakin.
Kỹ thuật này sử dụng sodium hypochlorite trực tiếp lên các mô bị hư hỏng sâu. Phương pháp này không chỉ là giải pháp tiết kiệm mà còn giúp 80% binh lính tại các bệnh viện Pháp không phải cắt cụt chân tay do nhiễm trùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.