Ai dễ nhiễm vi nấm Aspergillus sp.?

30/07/2010 09:50 GMT+7

Giữa tháng 7-2010, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phát hiện một bệnh nhân có khối u ở phổi do nhiễm vi nấm Aspergillus sp.. Đây là trường hợp nhiễm vi nấm hiếm gặp và dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vi nấm Aspergillus sp., TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu - trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết vi nấm này thuộc chủng nấm sợi. Vi nấm Aspergillus sp. thường xuất hiện trên các chất hữu cơ phân hủy như xác động vật (kể cả xác người) bị thối rữa, xác các loại cây cối mục nát.

Theo TS Mạnh Siêu, trường hợp nhiễm vi nấm Aspergillus sp. ở phổi mới phát hiện gần nhất vào ngày 17-7. Đây là bệnh nhân nữ, 45 tuổi, làm nghề nông và sống ở vùng nông thôn của tỉnh Long An. Hiện bệnh nhân này đã được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) để phẫu thuật cắt bỏ khối u nấm nhằm ngăn chặn khối u lan sang động mạch gây xuất huyết, ảnh hưởng đến tính mạng. Việc cắt u nấm sẽ làm tế bào nấm phát tán theo đường máu ra các mô xung quanh, nên trước khi cắt u nấm bệnh nhân phải được uống thuốc đặc trị một tuần. Cắt xong cũng phải uống thuốc thêm 1-3 tuần để diệt hoàn toàn vi nấm này.

Theo TS Siêu, triệu chứng của bệnh thường là bệnh nhân có nấm nằm ở phổi và tạo ra khối u đơn độc ở phổi. Ngoài ra, vi nấm này cũng có thể lan khắp các cơ quan khác trong cơ thể gọi là nấm nội tạng. Một số trường hợp khác, nấm có thể từ phổi qua máu phát tán qua da. Việc vi nấm Aspergillus sp. có phát tán ra da hay không còn tùy cơ địa từng người.

Đối tượng dễ nhiễm vi nấm này thường là trẻ em và người già và khi nhiễm hay bị nặng. Những bệnh nhân bị bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải do sử dụng thuốc lâu ngày hay bị nhiễm HIV/AIDS cũng dễ bị nhiễm vi nấm này.

Theo bác sĩ Siêu, cách đây hai năm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm nấm Aspergillus flavus. Ban đầu bệnh nhân này có thương tổn ở da vùng sau cổ, sau đó lan xuống cánh tay, bụng với biểu hiện ngứa, loét, tiết dịch. Bệnh nhân đã điều trị ở nhiều nơi nhưng đều được chẩn đoán là chàm bội nhiễm. Bệnh nhân này sống gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM). Sau khi xác định bệnh, bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn.

Đến nay chưa có nghiên cứu từ lúc nhiễm vi nấm này đến khi sinh ra u nấm ở phổi kéo dài bao lâu, nhưng thường phải mất vài năm tùy thuộc cơ địa mỗi người mà diễn tiến nhanh hay chậm.

Cần lưu ý, vi nấm Aspergillus sp. thường tồn tại ở phổi thầm lặng, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời khối u nấm ngày càng lớn dần, ăn lan vào động mạch lớn, như động mạch ở phổi, sẽ gây vỡ động mạch phổi bất thình lình, bệnh nhân có thể bị tử vong rất nhanh do xuất huyết ồ ạt, không cầm máu được.

Trả lời về đối tượng dễ có nguy cơ nhiễm vi nấm này, TS Siêu cho biết: “Những người sống gần bãi rác, nghĩa trang, nơi có nhiều cây cối mục nát dễ có nguy cơ mắc bệnh này vì ở những nơi này thường có nhiều chất hữu cơ phân hủy”. Ở những nơi này bào tử nấm bay lơ lửng trong không khí. Nếu gặp luồng gió thổi qua bãi rác hoặc có xác động thực vật đang phân hủy thì bào tử nấm phát tán trong không khí rất mạnh và khắp nơi.

Tuy nhiên, không phải ai hít bào tử nấm này cũng bị nhiễm bệnh mà tùy thể trạng mỗi người. Song với những người hít phải thường xuyên, kéo dài dễ bị nhiễm vi nấm hơn. Còn lâu lâu mới hít phải hoặc thoáng qua thì không sao.

Nếu phát hiện sớm, người bị nhiễm vi nấm này sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tiếp tục sống ở khu vực có nguy cơ cao thì có thể tái nhiễm.

Theo TS Siêu, biện pháp phòng ngừa là bệnh nhân nên khám sức khỏe tổng quát 6-12 tháng/lần để chụp phim phổi kiểm tra. Việc chụp phim phổi rất có ích vì không chỉ phát hiện nấm phổi mà còn phát hiện lao phổi hoặc u phổi.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.