Ăn đậu phộng mốc: Coi chừng bị ung thư gan

17/07/2006 11:31 GMT+7

Aflatoxin là độc tố có nhiều trong đậu phộng bị mốc, nếu vô tình ăn phải với số lượng nhiều thì rất dễ dẫn tới ung thư gan.

Đậu phộng dễ bị nhiễm Aflatoxin

Gần đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã kiểm nghiệm 40 mẫu hạt có dầu và các sản phẩm có liên quan như đậu phộng, vừng, cà phê hạt, đậu phộng da cá, hạt điều rang, dầu ăn, bột dinh dưỡng… Kết quả cho thấy hàm lượng Aflatoxin trong đậu phộng cao hơn tiêu chuẩn 263 lần, còn trong kẹo đậu phộng thì vượt tiêu chuẩn 138 lần.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dầu thực vật thực hiện cách đây không lâu cũng cho thấy trong số 89 mẫu đậu phộng từ đồng ruộng của nông dân có 11 mẫu nhiễm Aflatoxin B1, bốn trong số những mẫu này nhiễm Aflatoxin từ vừa phải đến cao (31,2 - 125mg/kg). Còn trong số 11 mẫu đậu phộng lấy từ chợ và cơ sở chế biến dầu thì có 5 mẫu nhiễm Aflatoxin 20 - 112,2 mg/kg.

Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TP.HCM cũng đã từng kiểm nghiệm 115 mẫu thực phẩm (gồm đậu phộng da cá, kẹo đậu phộng, nước tương làm từ đậu nành, đồ hộp chay làm từ các loại đậu và bột mì, cà phê, thức ăn gia súc…) lưu hành trên thị trường và phát hiện Aflatoxin B1 có trong 30% mẫu cà phê; 42,9% mẫu nước tương; 66,7% mẫu hộp đồ chay; 68,2% mẫu đậu phộng và sản phẩm từ đậu phộng.

Độc tố gây ung thư gan

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Aflatoxin là độc tố của nấm Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Hai loại nấm mốc này có nhiều ở bắp, một số loại hạt có dầu, nhất là đậu phộng.

Qua các nghiên cứu về tác hại của Aflatoxin, BS Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TP.HCM, cho biết ngoài gây nhiễm độc, gây rối loạn chức năng, suy giảm miễn dịch, thoái hóa gan thận và làm chết gia súc trong trường hợp nhiễm độc hàm lượng lớn, Aflatoxin được chứng minh là chất gây ung thư ở người, đặc biệt là ung thư gan. Nếu hấp thụ một tổng lượng 2,5 mg Aflatoxin trong thời gian 89 ngày có thể dẫn tới ung thư gan.

Kết quả từ một nghiên cứu gần đây về các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan nguyên phát của nhóm tác giả Bùi Thị Thanh Hà (Bệnh viện Hữu Nghị), Phan Thị Kim (Bộ Y tế), Phạm Thị Thu Hồ (Trường Đại học Y Hà Nội) cũng nhận định: “Tỷ lệ Aflatoxin B1 trong tổ chức gan của 83,3% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy ung thư gan nguyên phát ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với Aflatoxin B1 qua đường ăn uống”.

Phòng ngừa: cần nhiều biện pháp đồng bộ

Đậu phộng là loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao, ngoài việc ép lấy dầu, đậu phộng là nguyên liệu làm các món ăn của Việt Nam như gỏi, nộm,… Trong các bữa tiệc gia đình, bạn bè, bên bàn nhậu, đậu phộng cũng xuất hiện. Trong siêu thị, ở chợ, những quán ăn, trên các đường phố... có nhiều sản phẩm được chế biến từ đậu phộng: đậu phộng rang, chiên, đậu phộng luộc, kẹo đậu phộng…

Nhưng theo GS.TSKH Phan Liêu - chuyên gia hàng đầu về thực vật có dầu - đậu phộng rất dễ bị sâu mọt, vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập nếu không được xử lý và bảo quản đúng cách. Hơn nữa, do thói quen tiết kiệm của người dân nên khi thực phẩm bị mốc không hủy bỏ mà một số gia đình nông thôn rửa và phơi nắng các hạt mốc để sử dụng lại hoặc chuyển sang làm thức ăn cho gia súc.

Các chuyên gia còn đưa ra lời khuyên: trong quá trình phát triển, tránh gây hại cho cây và trái đậu phộng bằng cách bón thạch cao hoặc vôi lúc cây đâm tỉa, cung cấp đủ độ ẩm cho đất ít nhất một tháng trước khi thu hoạch. Trong quá trình thu hoạch, loại bỏ những cây bị bệnh, phơi khô để trái có độ ẩm dưới 9%, loại bỏ những trái, hạt bị nấm mốc.

Mặt khác, người dân không nên ăn đậu phộng mốc, khi bóc vỏ đậu phộng mà bên trong có màu vàng, sẫm xanh tức là đã nhiễm Aflatoxin; không mua sản phẩm đậu phộng không có nhãn hàng hóa; có nhãn mác nhưng không ghi hạn dùng hoặc đã quá hạn sử dụng; không ghi rõ nơi sản xuất…

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.