Ba kích trợ dương

06/02/2009 14:51 GMT+7

Cây ba kích còn có tên gọi ba kích thiên, cây ruột gà..., tên khoa học Morinda officinalis How, là cây loại thảo, sống lâu năm, mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm. Ba kích có nhiều công dụng chữa bệnh.

Vị thuốc ba kích là rễ củ của cây ba kích. Rễ ba kích có thể đào quanh năm, nhưng thường được lấy vào mùa thu, đông. Sau khi đào về, rửa sạch đất cát, rễ cây được phơi hoặc sấy khô. Rễ cây gần khô đập dẹt rồi phơi tiếp cho khô hẳn.

Lương y Huyên Thảo cho biết, ba kích có vị cay, ngọt, tính hơi ôn, đi vào kinh Thận, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Do vậy, ba kích dùng để chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau. Tuy nhiên, cần chú ý, những người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón không được dùng. Ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng để chữa các bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Nhiều nơi, người ta còn đào rễ ba kích về nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe. Trong Đông y hiện đại, ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương.

- Ba kích ngâm rượu: Dùng 100g rễ ba kích (bỏ lõi), 40g thục địa, 30g kỷ tử, 10g bổ cốt chi, 20g cam cúc hoa, ngâm với 2 lít rượu trắng (loại tốt) trong ít nhất một tháng. Hằng ngày, có thể uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén khoảng 20 - 30 ml, bồi bổ sức khỏe.

- Dùng 12g ba kích, 6g bổ cốt chi, sắc nước uống trong ngày. Bài thuốc có tác dụng chữa  dương nuy (liệt dương) do thận dương hư có biểu hiện như rối loạn cương dương, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng nát, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần uể oải, người mệt mỏi sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện nhiều về đêm, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

- Dùng 12g ba kích, 6g ngũ vị tử, 8g nhân sâm (có thể dùng 16g đẳng sâm), 16g thục địa, 12g nhục thung dung, 12g mẫu lệ, 12g cốt toái bổ. Tán mịn tất cả các vị thuốc, luyện với mật làm viên. Uống mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 12g. Tác dụng chữa đau lưng, hoạt tinh (một dạng của di tinh) do thận dương hư.

Ngoài vị thuốc rễ ba kích đã phơi khô, rễ ba kích tươi có thể chế biến như món ăn - bài thuốc chữa bệnh:

- 30g ba kích, 1 cái bong bóng (bàng quang) lợn. Làm sạch bong bóng lợn, sau đó nhồi ba kích vào, hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày. Ăn có tác dụng bổ thận, trợ dương, dùng chữa tiểu tiện nhiều lần, nhất là vào ban đêm, sắc mặt trắng nhợt, thần khí khiếp nhược.

- 250g lòng lợn, 50g ba kích. Nhồi ba kích vào lòng lợn đã làm sạch. Để vào bát sứ, cho thêm hành, gừng, muối, gia vị và lượng nước thích hợp, hầm cách thủy cho chín, ngày ăn một lần, ăn liên tục trong nhiều ngày. Bài thuốc có tác dụng ôn bổ thận dương, dùng để chữa sa dạ dày, sa tử cung.

- 15g ba kích, 2-3 bộ lòng gà. Cho lòng gà đã làm sạch, ba kích và nước vào nồi, nấu thành canh ăn có tác dụng bổ thận cố tinh, dùng để chữa di tinh và tảo tiết (xuất tinh sớm).

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.