Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long: Tôi muốn làm bác sĩ dở

11/09/2018 08:00 GMT+7

Là một trong những người đầu tiên ở miền Nam đi học về thông tim, sau 22 năm, đôi tay bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã mang lại phép màu cho hơn 10.000 bệnh nhân.

Đến FV với lịch hẹn gặp bác sĩ Huỳnh Ngọc Long - Trưởng khoa Tim mạch, tôi gặp bác trong thang máy vừa kịp xong giờ ăn trưa. Bác bảo: “Xin lỗi nhé, bây giờ có bệnh nhân phải mổ gấp, ca thứ ba từ sáng đến giờ”. Nói rồi bác vội trở ngay vào phòng mổ để chuẩn bị. Đây là chuyện không quá bất ngờ vì hẹn bác sĩ Long rất khó do lịch trình của bác rất bận rộn.
Chọn thử thách ở tuổi ngoài 50
Trước khi đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Tim mạch bệnh viện FV, bác sĩ Long có 17 năm giữ chức vụ Phó khoa Thông tim can thiệp của Viện Tim. Là một trong 3 người đầu tiên ở miền Nam đi học về ngành thông tim, sau lại là người hỗ trợ vận hành cho hơn 20 phòng Cathlab từ khu vực miền Trung tới miền Nam, điều đặc biệt ở bác sĩ Long là một người luôn ấp ủ rất nhiều kế hoạch, mục tiêu và không bao giờ nói hai từ “dừng lại”. Đó là lý do mà bác chọn “làm mới” bản thân ở tuổi ngoài 50: trở thành thành viên của Bệnh viện FV.
Trở lại với cuộc hẹn gặp bác sĩ Long, tôi vội theo chân bác và được phép vào khu vực điều khiển ngoài phòng mổ.
Đấy là một ca mổ thông tim. Bác sĩ Long lúc này giống một nghệ nhân điêu luyện, vừa thực hiện thuần thục các thao tác phẫu thuật, vừa hướng dẫn “đàn em” theo dõi và giải thích hướng xử lý dựa trên ảnh chụp hiện đại của máy Cathlab. Các mạch tắc vị trí khó, nhưng bác sĩ Long chọn giải pháp thông tim, đặt stent mà không phải là mổ bắc cầu vì sẽ kéo dài chất lượng sống cho bệnh nhân hơn, giảm thiểu nguy cơ tái tắc mạch trong tương lai. Lợi cho bệnh nhân nhưng lại là thử thách cho người phẫu thuật, bác sĩ Long vẫn quyết định chọn cách khó vì tin tưởng đôi tay mình, tin vào ê kíp, sự chuẩn xác từ phòng Cathlab hiện đại bậc nhất của FV.
Ca thông tim được thực hiện thành công chỉ trong vòng 30 phút. Bác sĩ Long nở nụ cười hồn hậu bắt tay với các đồng nghiệp nói: “Chúc mừng thành công, liên tục phát triển”… như một lời cảm ơn cho cả ê kip đã đồng hành và phối hợp nhịp nhàng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Với bác sĩ Long, sau mỗi ca mổ thành công tốt đẹp, niềm vui và hạnh phúc vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.
Bác sĩ Long được biết đến là một trong những bác sĩ đầu ngành về tim mạch ở VN hiện nay. Trong thâm tâm bác sĩ Long thì: “Tôi luôn tâm niệm lời của thầy Phạm Nguyễn Vinh: “Đã là bác sĩ thì không được phép dừng lại”. Vậy nên, điều bác muốn không phải tóm gọn trong từ “bác sĩ giỏi” có thể kéo bệnh nhân từ cửa tử trở về mà là một ước muốn khác người hơn.
“Tôi muốn làm bác sĩ dở”
Đó là câu trả lời thoạt nghe có thể khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Làm bác sĩ ai cũng lấy mục đích cứu người làm đầu, nhưng khái niệm bác sĩ giỏi và dở ở đây có sự khác biệt rõ ràng. Bác sĩ Long giải thích: “Người bình thường biết một bác sĩ giỏi khi ông ấy cứu được người sắp chết sống lại. Còn người bác sĩ giúp một người không bị bệnh thì không ai biết đến. Người bác sĩ ấy giúp bệnh nhân ngăn chặn bệnh ngay từ đầu hoặc không cho bệnh tiến triển nữa thì lấy gì mà trổ tài. Người ta nghĩ ông ấy dở. Tôi muốn làm bác sĩ dở”.
“Có một nghịch lý là ai cũng nói muốn sống khỏe chứ không phải sống lâu. Nhưng sau bao năm chứng kiến những khoảnh khắc bệnh nhân đứng trước ranh giới sinh tử tôi nhận ra bản năng trong sâu thẳm mỗi người vẫn là muốn sống lâu, sống khỏe. Vì thế, tôi nghiên cứu và đúc kết phải cố gắng làm sao cho người ta không có bệnh, phòng bệnh là chính”, bác sĩ Long tâm sự. Từ đó, bác sĩ Long khởi xướng CLB 100 tuổi. Không phải ngẫu nhiên các buổi sinh hoạt của CLB bệnh nhân tim mạch hàng tuần và Hội thảo tim mạch để cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân lần nào tổ chức ở FV cũng đông kín người. Đó là nơi vị bác sĩ sẵn sàng chia sẻ thông tin y khoa với đồng nghiệp, với bệnh nhân những kinh nghiệm quý báu một đời thành những công thức súc tích, dễ hiểu, dễ áp dụng mà hiệu quả để nhận diện rủi ro nhồi máu cơ tim, góp phần đào tạo đội ngũ bác sĩ kế thừa…
Để thực hiện hoài bão trở thành “bác sĩ dở”, ngoài công việc hằng ngày là phẫu thuật và điều trị bệnh, bác sĩ Long gác hết những sở thích - sở trường của mình như đàn hay hát giỏi, thích nghệ thuật để dành trọn vẹn cho công việc y khoa, cho người bệnh và cho người chưa bệnh. Từ tâm huyết và lý tưởng đặc biệt này, bác sĩ Long đã giúp không ít bệnh nhân của mình lập kỳ tích. Một bệnh nhân tuổi tứ tuần suy tim nặng tưởng từng khó vượt qua ngày nào nay có thể xách vợt đánh tennis với bạn bè, một bạn mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối phục hồi sức khỏe ngoạn mục để viết tiếp câu chuyện cuộc sống của tuổi trẻ, rồi các thành viên của CLB 100 tuổi có người thực tế vượt 100 vẫn lạc quan sống yêu đời... Mỗi câu chuyện đều để lại cho bác sĩ Long một niềm vui khó tả, khó chia sẻ với những gì mình đang làm.
“Từ điển của bác sĩ Long sẽ xóa luôn từ ‘nghỉ hưu’. Người ta thường không biết chú trọng và trân quý mỗi ngày được sống, đó là điều tôi thấy ngay cả trong gia đình mình. Giờ đây sau bao năm tích lũy kiến thức thì nên giúp người bệnh hiểu lại, trân quý lại cuộc sống, giúp người ta sống khỏe là mình thấy vui rồi”, bác sĩ Long bộc bạch.
Từ tháng 5.2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp tim mạch (Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab sở hữu hệ thống máy móc, công cụ hiện đại là “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, nhồi máu cơ tim, hở van tim…
Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ Tim mạch của FV có nhiều năm kinh nghiệm với sự dẫn dắt của bác sĩ Trưởng khoa - Huỳnh Ngọc Long với hơn 10.000 ca can thiệp thành công giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn đáng tin cậy để điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.
Số điện thoại cấp cứu: (028) 5411 3500  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.