Bất thường chiều cao của trẻ

16/07/2013 03:15 GMT+7

Các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái sinh ra cao ráo, khỏe mạnh; nhưng thực tế có những nguyên nhân đem lại cho trẻ vẻ bề ngoài không như ý.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, trẻ em có mức tăng trưởng chiều cao phù hợp ở từng lứa tuổi. Cụ thể, ngay khi vừa sinh ra bé có cân nặng trung bình 2,7 - 3,8 kg, chiều cao trung bình trong khoảng 48 - 53 cm. Đến lúc 1 tuổi, chiều cao phải tăng thêm 18 - 25 cm; và tăng thêm 10 - 12 cm lúc 2 tuổi. Từ 2 tuổi trở lên, chiều cao của trẻ tăng thêm 5 - 6 cm mỗi năm Ở độ tuổi dậy thì, nữ sẽ cao lên 6 - 11 cm và nam cao lên 7 - 12 cm mỗi năm. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ tăng trưởng vượt trội trong vòng 2 năm, sau giai đoạn này sự tăng trưởng giảm dần và dừng lại khi đĩa sụn tăng trưởng đóng.

 Từ 2 tuổi trở lên, chiều cao của trẻ tăng thêm 5 - 6 cm mỗi năm - d
Từ 2 tuổi trở lên, chiều cao của trẻ tăng thêm 5 - 6 cm mỗi năm
- Ảnh: Shutterstock

Thang đo về sự phát triển chiều cao của trẻ ở trên cho phụ huynh biết các bất thường về vấn đề này. Trẻ đi khám thường có biểu đồ tăng trưởng lưu giữ lại chỉ số phát triển của trẻ từ lúc mới sinh đến lớn. Phụ huynh cần lưu lại và để ý trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu thấy trẻ đến độ tuổi đó nhưng mức tăng chiều cao không đáp ứng, chênh lệch lớn thì cần đưa trẻ đi khám.

Những nguyên nhân

Với trẻ chậm tăng trưởng trong tử cung, có khoảng 10% trẻ không bắt kịp chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Suy dinh dưỡng cũng gây ra chậm phát triển chiều cao, do đó đối với trẻ thuộc nguyên nhân này cần cải thiện chế độ ăn uống. Ngoài ra, trẻ có bệnh mãn tính như suy gan, suy thận cũng cần được điều trị để không làm ảnh hưởng đến chiều cao. Trẻ bị hội chứng turner do bất thường về nhiễm sắc thể cũng gây ra hình dáng lùn. Ngoài ra, trẻ cũng chậm tăng trưởng chiều cao, có vẻ ngoài bất thường, chân ngắn, tay ngắn, cổ tay, chân bè do bị loạn sản sụn và xương. Mặt khác, sang chấn tâm lý cũng gây ra chậm phát triển chiều cao. Trẻ dậy thì sớm, hội chứng cushing, tăng sinh thượng thận bẩm sinh... cũng gây ra chậm tăng trưởng chiều cao. Trẻ sống với tuổi thơ bị ngược đãi, bố mẹ la mắng... cũng ảnh hưởng đến chiều cao. Đây là nguyên nhân mà nhiều người ít nghĩ tới. Số khác, không xác định được nguyên nhân, những trẻ này được kết luận lùn vô căn.

Cần lưu ý, sau 2 tuổi nếu dinh dưỡng tốt mà trẻ phát triển không đạt mức bình thường, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ từ 2 tuổi trở lên mà ít hơn 4 cm trong một năm thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám. 

Hà Minh

>> Thuốc kích thích rụng trứng ảnh hưởng chiều cao của trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.