Bệnh mới nổi do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và tác động có hại ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế.

Bệnh mới nổi tấn công, bệnh “cũ” bùng phát
Mực nước biển dâng và nhiệt độ trái đất tăng cùng các sự khắc nghiệt về thời tiết có thể gây nhiễu loạn sinh thái, tác động đến động vật ký sinh cũng như vật trung gian truyền bệnh gây bùng phát các bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, phát ban... làm tăng lây lan các bệnh truyền nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, nhất là với người già, người mắc bệnh tim mạch, thần kinh. Hàng năm trên thế giới, thiên tai đã làm khoảng 3 triệu người chết, 200 triệu người bị ảnh hưởng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Như một quy luật, sau thiên tai môi trường thường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. WHO đã ước tính khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm nguồn nước, môi trường thay đổi, nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi sự phân bố và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do nguồn nước và thực phẩm bị ô nhiễm, do biến động cả về số lượng và mức độ gây hại của các trung gian truyền bệnh như: muỗi, ruồi, chuột, điều này đã làm gia tăng các bệnh liên quan tới vec tơ truyền bệnh và các bệnh truyền qua vật chủ trung gian.
Các đợt nóng xuất hiện ngày càng nhiều hơn và cường độ mạnh hơn làm tăng nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, làm gia tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy tác động biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã ảnh hưởng làm gia tăng dịch, bệnh theo mùa, đặc biệt là các dịch bệnh mới như cúm AH5N1, cúm AH1N1, SARS, chân tay miệng… và dự báo sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới.
Gia tăng dịch bệnh
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rõ rệt tới việc di dân. Các trận lụt liên tiếp xảy ra ở khu vực này trong khi hạn hán xảy ra ở khu vực khác đã dẫn đến việc di dân giữa các vùng. Hậu quả là việc cung cấp nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vùng di dân bị ảnh hưởng và không đảm bảo làm cho một số bệnh liên quan cũng tăng lên như: tiêu chảy, tả, một số bệnh liên quan tới véc tơ truyền như sốt xuất huyết, sốt rét...
Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các địa phương, vùng, miền trong cả nước nhưng với mức độ khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền qua véc tơ giao động qua các năm, có những năm nguy cơ bùng phát các bệnh này là rất cao, đặc biệt là các bệnh đường tiêu tóa (tả, thương hành, tiêu chảy cấp…). Các nguy cơ cao mắc các bệnh này cũng có liên quan nhiều tới sự biến động của thời tiết. Dự báo, các bệnh truyền nhiễm gây dịch còn diễn biến phức tạp, liên quan đến khí hậu biến đổi.
Ứng phó của ngành y tế với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
- Đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe người dân và các hoạt động của ngành y tế, đề xuất các giải pháp ứng phó.
- Tăng cường năng lực tổ chức, chính sách của ngành Y tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ trong ngành Y tế và cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.