Bệnh nhân uống thuốc nuốt luôn cả vỏ sắc nhọn

Đình Tuyển
Đình Tuyển
24/01/2020 20:04 GMT+7

Một bệnh nhân 50 tuổi vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ cấp cứu kịp thời sau khi ông này uống thuốc và nuốt trọn cả vỏ thuốc với 4 cạnh sắc nhọn.

Chiều 24.1, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết Khoa Nội soi của bệnh viện vừa nội soi gắp thành công viên thuốc còn nguyên vỏ ra khỏi thực quản bệnh nhân.
Bệnh nhân là ông N.M.P (50 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), có tiền sử tăng huyết áp, phải uống thuốc liên tục. Cách nhập viện 6 giờ, trong lúc uống thuốc nhanh, bệnh nhân nuốt viên thuốc còn cả vỏ. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân cảm thấy đau rát vùng xương ức và cố gắng ăn nhiều thức ăn cho viên thuốc trôi xuống nhưng không thành nên nhập viện.
Tại Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân được ê kíp nội soi do BSCK1 Nguyễn Anh Kiệt thực hiện thành công gắp ra ngoài viên thuốc còn vỏ kích thước 2cm x 2cm đang đâm thành thực quản. Nhờ được gắp dị vật không gây tổn thương thực quản nên bệnh nhân hết đau rát vùng sau xương ức và xuất viện trong ngày.
Theo BSCK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa, dị vật thực quản là một cấp cứu rất thường gặp trong quá trình ăn uống. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ lớn. Nếu phát hiện sớm xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài các loại xương động vật, hạt trái cây, dị vật thực quản còn nhiều thứ “khó ngờ” như kim, tăm xỉa răng, răng giả, vỉ thuốc có cạnh sắc, đồng xu, búi tóc…
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân bị mắc dị vật ở thực quản là thói quen ăn uống: Ăn khối thịt to, ăn những loại thịt có lẫn xương, không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn, thói quen ngậm tăm xỉa răng sau khi ăn… Có trường hợp phải nhập viện vì uống thuốc nhanh, quên vỏ bao thuốc có cạnh sắc nhọn.

Khá hy hữu khi viên thuốc to 4 cạnh săc nhọn vẫn bị bệnh nhân nuốt trọn vào thực quản

Ảnh Đình Tuyển

Thông thường sau khi nuốt dị vật, người bệnh có thể có các biểu hiện như nuốt khó, nuốt đau, vướng, không ăn uống được, có cảm giác vướng ở cổ, ngực, đau sau xương ức (có thể lan ra sau lưng hay lên vai). Các biểu hiện nói trên khác nhau tùy theo hình dạng, kích thước dị vật, độ tuổi bệnh nhân, thời gian nuốt dị vật, vị trí dị vật bị vướng lại. Sau một thời gian, người bệnh có thể bị sốt cao, chảy nước bọt, hơi thở hôi, khó thở, ho khạc ra máu, ho đàm mủ, viêm tấy vùng cổ, nôn ra máu.
Với trường hợp bệnh nhân đến khám muộn (1 - 2 ngày sau khi nuốt dị vật) có thể xảy ra những biến chứng sau: Loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa (trường hợp dị vật là miếng thịt to hoặc có tính ăn mòn); tổn thương niêm mạc thực quản, xuất huyết tiêu hóa hay tổn thương xuyên thành thực quản (dị vật sắc nhọn)…
Nghiêm trọng hơn, những biến chứng nói trên có nguy cơ dẫn tới viêm thực quản lan tỏa, viêm quanh thực quản cổ, áp xe vùng cổ, thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, dị vật đâm thủng mạch máu lớn trong lồng ngực hoặc viêm lan tỏa làm hoại tử các mạch máu lớn dẫn đến xuất huyết nặng. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
“Khi lỡ nuốt dị vật, bệnh nhân cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt; không nên tự ý chạy chữa, có thể nguy hiểm tính mạng”, BS Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.