Trong đó, có 15 trẻ có kết quả xét nghiệm nhiễm sởi. Có 8 trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi (chưa đến thời điểm tiêm vắc xin sởi), những trẻ còn lại đều chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin ngừa sởi.
Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay đã có 5 ca bệnh sởi rải rác ở các quận huyện, hoàn toàn không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Theo trung tâm, bệnh sởi đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày 2.9, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trong tuần qua BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận 3 ca liên tục ở các tỉnh lân cận TP.HCM, đều 9 tuổi. Trong đó có 2 ca lây nhiễm từ cha và mẹ, còn 1 ca chưa rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, với trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi nhiễm sởi thì nguồn lây chắc chắn từ người lớn, cha mẹ.
Do vậy, những người lớn có dấu hiệu sốt phát ban (dù nhẹ) thì nên cách ly với trẻ nhỏ tránh lây vi rút sởi. Người lớn cần tiêm ngừa sởi mũi nhắc lại và cần rửa tay, giữ vệ sinh khi chăm trẻ bệnh.
Sở Y tế TP đã chỉ đạo các BV phát hiện sớm, phân luồng khám, điều trị bệnh sởi, tránh lây nhiễm chéo. Tiêm vắc xin sởi cho nhân viên tại các khoa nhiễm của BV, tại phòng khám chuyên khoa nhi... để phòng ngừa lây nhiễm. Các gia đình cần cho trẻ dưới 5 tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Nếu tiêm chưa đủ thì khẩn trương đưa trẻ ra trạm y tế phường để được tư vấn tiêm bù, càng sớm càng tốt. Nếu trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban thì đưa trẻ đi khám bệnh, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Bình luận (0)