Biến chứng nặng ở bệnh nhân mắc sởi

Liên Châu
Liên Châu
26/02/2019 05:14 GMT+7

Không chỉ gây biến chứng nặng cho trẻ nhỏ, sởi cũng có thể tấn công người lớn và gây nguy hiểm.

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho bệnh nhân nữ Đ.H.V (28 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi. Khoảng 10 ngày trước khi được chuyển đến khoa này, bệnh nhân sốt cao, sau đó nổi ban, được người nhà đưa vào điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. Tại đây, xét nghiệm máu cho kết quả mắc sởi.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và chuyển đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để tránh mắc sởi và tai biến nguy hiểm, các bà mẹ đưa trẻ 9 tháng tuổi đi tiêm phòng sởi và tiêm nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi. Các trẻ lớn và người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ rõ về tình trạng tiêm chủng nên đi tiêm vắc xin sởi để tránh nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần vệ sinh hô hấp và vệ sinh tay, che miệng khi ho hắt hơi, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người.
PGS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai, xác nhận: Bệnh nhân Đ.H.V nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy xác định bệnh nhân bị viêm não - màng não do sởi. Bệnh nhân này không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó.
Trước khi phát bệnh, Đ.H.V sống và làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - nơi có dịch sởi.
Bác sĩ điều trị cho biết: “Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, phải thở ô xy, cần được theo dõi sát sao”. Biến chứng viêm não do mắc sởi nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, thể chất, theo PGS Cường. Ngoài biến chứng viêm não, sởi có thể gây nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa...
Từ cuối năm 2018, Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, tập trung ở lứa tuổi 25 - 35, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai.
Lý giải về việc xuất hiện các ca mắc sởi người lớn, TS Đặng Thị Thanh Huyền, công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết phần lớn nhóm người lớn sinh ra trước khi triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng (1985) đã từng mắc sởi, có miễn dịch bền vững và không bị mắc lại. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ chưa mắc nên chưa có miễn dịch.
Ngoài ra, trong nhóm người lớn sinh ra sau năm 1985 và mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin sởi khi còn nhỏ có một tỷ lệ chưa có miễn dịch phòng bệnh. Các trường hợp này chính là khoảng trống miễn dịch.
Do đô thị hóa, nhiều người từ các vùng miền có tỷ lệ tiêm chủng thấp di chuyển đến các đô thị lớn, các khu công nghiệp… dẫn đến tình trạng tập trung đông người chưa có miễn dịch phòng bệnh tại các địa phương này, tích lũy qua nhiều năm là nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Thực tế đã ghi nhận hàng ngàn ca mắc sởi trong vụ dịch 2008 - 2010.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.