Buồn khác với trầm cảm như thế nào?

05/10/2019 14:00 GMT+7

Rất nhiều người nói “trầm cảm” để mô tả cảm giác buồn hoặc mất mát. Nhưng thực ra, trầm cảm khác với buồn. Do đó, cần lưu ý nhận biết trầm cảm để tìm cách thoát khỏi.

Nhận biết trầm cảm

Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, cảm giác buồn thường qua đi sau vài giờ hoặc vài ngày. Trong giai đoạn đó, mọi người vẫn có thể giải quyết mọi việc bình thường. Còn trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần khác với cảm giác buồn nhất thời. Trầm cảm là một chứng rối loạn, trong đó cảm giác buồn diễn ra rất mạnh và kéo dài, có thể ảnh hưởng đến công việc, gia đình và cuộc sống xã hội của con người.

Nguyên nhân gây trầm cảm

Trầm cảm có thể xảy do những thay đổi sinh hóa trong não. Các bằng chứng khoa học cho thấy nếu cha mẹ bị trầm cảm thì con cái có nguy cơ bị trầm cảm rất cao. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm như: cuộc sống căng thẳng, uống rượu hoặc dùng chất kích thích. Tuy nhiên, trầm cảm cũng xuất hiện ở một số người mà nguyên nhân không thể hiện rõ. Nếu sự buồn bã của bạn kéo dài hoặc khi bạn thấy mình “trầm cảm” hãy xem lại chính bản thân bạn - nguyên nhân nào khiến bạn bị “chìm’ vào tình trạng như vậy? Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp cho việc thảo luận với bác sĩ, người thân và bạn bè của bạn và tìm ra hướng khắc phục.

Vượt qua trầm cảm như thế nào?

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, sức khỏe tâm thần là chất lượng sống đang ngày được quan tâm nhiều hơn. Ai cũng có thể gặp những sự cố trong cuộc sống. Không nên e ngại khi đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tâm thần không có nghĩa là mất trí, hay “điên” mà có thể là tình trạng mất ngủ dài ngày - vấn đề khá nhiều người gặp phải cũng có thể cần được khám và điều trị bởi bác sĩ tâm thần.
Theo chuyên gia về sức khỏe tâm thần, để thoát khỏi trầm cảm, cần xác định những trục trặc trong cuộc sống của bạn vì tất cả mọi người đều có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống và những điều này có thể dẫn đến trầm cảm. Hãy liệt kê ra những vấn đề mà bạn cho rằng có thể liên quan đến trầm cảm. Những chuyện gì khiến bạn phiền lòng trước khi bị trầm cảm
Đồng thời cần xác định những điểm mạnh/tích cực trong cuộc sống của bạn, bởi khi bị trầm cảm thường dễ dàng mất đi cái nhìn về các giá trị sống của mình. Hãy nghĩ lại cuộc sống của bạn trước khi bị trầm cảm và xác định được những hoạt động hằng ngày và hoạt động thư giãn thường làm, sau đó hãy liệt kê chúng và trao với bác sĩ hoặc nhà tư vấn để cùng đưa ra những hướng đi tốt. Việc này cần được duy trì ngay cả khi cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần
“Hãy làm một số việc mà bạn thích, một số hoạt động thư giãn và thực hiện theo đó, cố gắng từ từ trở lại cuộc sống với sự giúp đỡ của bác sĩ và nhà tư vấn. Thực hiện những hoạt động đó rất quan trọng cho dù bạn cảm thấy chẳng muốn làm chút nào”, chuyên gia điều trị trầm cảm nhắn nhủ.
Cần đi khám bác sĩ để được đánh giá đúng về sức khỏe tâm thần, khi có những triệu chứng của trầm cảm như: chán nản kéo dài; mất quan tâm, hứng thú, bi quan; cảm giác vô dụng, không có giá trị. Về tâm lý sẽ cảm thấy tội lỗi/thái độ tiêu cực về bản thân; khả năng tập trung/trí nhớ kém; Có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử; hay khóc. Thể chất rơi vào tình trạng chậm chạp hoặc ủ rũ, mệt mỏi/thiểu lực; rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống (sụt/tăng cân); khó thực hiện được các công việc hàng ngày; khó làm được việc; thu mình, tách khỏi cuộc sống xã hội và bạn bè.
Trầm cảm là có rối loạn liên quan đến sức khỏe và cần được chữa trị chứ không phải trầm cảm là ốm yếu hay lười nhác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.