BV Chợ Rẫy cứu sống bác sĩ Campuchia bị tổn thương đa cơ quan nghiêm trọng

27/07/2017 19:45 GMT+7

Bệnh nhân cũng là bác sĩ người Campuchia bị lupus ban đỏ hệ thống, nhiều cơ quan bị tổn thương đã được bác sĩ 4 chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống.

Chiều nay (27.7), Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin sức khỏe bệnh nhân C.C (31 tuổi, quốc tịch Campuchia) đã ổn định và ăn uống tốt. Bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống kèm nhiều bệnh nguy hiểm phức tạp.
Được biết, bệnh nhân cũng là bác sĩ, nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm sốt nhẹ đã kéo dài hơn hai tháng. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, anh được chẩn đoán bị lupus ban đỏ hệ thống và chuyển viện sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Qua thăm khám và nhiều xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện nhiều hệ cơ quan của bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng như: nhiễm trùng máu, biến chứng hở van động mạch chủ, áp xe (nhiễm trùng) gốc và thành trước động mạch chủ. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy tim, nhồi máu não.
Các bác sĩ của 4 chuyên khoa (Nội khớp, Bệnh nhiệt đới, Nội tim mạch, Hồi sức phẫu thuật tim) đã hội chẩn và quyết định bệnh nhân phải phẫu thuật tim sớm, nếu không sẽ nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh mạnh, kháng nấm.
Các bác sĩ cũng phẫu thuật tim để thay van động mạch chủ cơ học, thay động mạch chủ ngực đoạn lên và cắm lại 2 lỗ vành, đặt hệ thống tim phổi nhân tạo bằng kĩ thuật (ECMO) cho bệnh nhân.
Trong đó, ECMO là phương pháp ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập suy hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp, nhằm cung cấp ô xy cho cơ thể khi hai cơ quan chính làm nhiệm vụ lấy ô xy từ ngoài không khí và đưa đến các tế bào là phổi và tim bị trục trặc.
Qua 20 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, ăn uống, giao tiếp tốt và có thể xuất viện.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá: Nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong khi vỡ gốc động mạch chủ. Đây là một ca bệnh cực kỳ khó, nhiều nguy cơ.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh khá nguy hiểm, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ (nhiều hơn gấp 7-8 lần so với nam giới).
Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác. Đa số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như: gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ,... Một số bệnh nhân thấy nổi các ban đỏ bất thường trên da, thường gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt - một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ hệ thống.
Bệnh gây những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết)… Những tổn thương này là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

tin liên quan

10 bác sĩ giành lại sự sống cho một thanh niên lúc 0 giờ
Chiều 12.7, bác sĩ Nguyễn Hoài Nghị, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện (BV) Quận 2 (TP.HCM), cho biết BV vừa cứu anh L.M.T (21 tuổi) bị tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng gan vỡ, vỡ bàng quang, vỡ đại tràng, gãy tay, mất máu… rất nguy kịch.

tin liên quan

Phẫu thuật tim cứu sống thai nhi ngay trong bụng mẹ
Qua thăm khám trong thai kỳ, các bác sĩ phát hiện em bé có dị tật tim và không thể chờ được phẫu thuật sau khi ra đời. Một ca mổ tim cho thai nhi đã được thực hiện ngay trong bụng mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.