Cẩn thận với các bệnh hô hấp khi trời lạnh

15/01/2014 15:43 GMT+7

(TNO) Trời trở lạnh, với nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm tại TP.HCM khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em hục hặc ho, viêm họng, hắt hơi, sổ mũi nếu không được giữ ấm.

(TNO) Trời trở lạnh, với nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm tại TP.HCM khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em hục hặc ho, viêm họng, hắt hơi, sổ mũi nếu không được giữ ấm.


Trời lạnh, nếu không được giữ ấm, trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp - Ảnh: Nguyên Mi

>> Nhiệt độ TP.HCM xuống còn 18 độ C

Ghi nhận tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) thì hô hấp luôn là bệnh có số lượng khám và điều trị cao nhất mỗi ngày. Đặc biệt, cứ sau 1-2 ngày trời trở lạnh thì bệnh nhân đến khám lại tăng lên.

Tại phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều phụ huynh đưa con đến khám vì các triệu chứng: ho, nghẹt/sổ mũi, đau họng, cảm, sốt...

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời tiết lạnh là lúc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dễ xâm nhập vào cơ thể. Do đây là điều kiện tốt cho vi rút gây bệnh hô hấp phát triển, đồng thời, sức đề kháng tại chỗ trên đường hô hấp giảm.

Đối với bệnh hô hấp, nếu bệnh nhẹ thì bệnh nhân bị viêm hô hấp trên (sổ mũi, nghẹt mũi, ho, viêm amidan), có thể điều trị ngoại trú. Bệnh nặng sẽ dẫn đến viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân cần được chăm sóc và theo dõi đặc biệt.

Bên cạnh đó, trời lạnh, trẻ cũng dễ bộc phát, lên cơn hen suyễn, đối với trẻ có sẵn bệnh mãn tính này.

Bác sĩ Tuấn cho biết thường chỉ có khoảng 5% trẻ mắc các bệnh hô hấp phải nhập viện điều trị, còn lại hầu như trẻ có thể được chăm sóc, điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà trong một tuần mà không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám.

Đặc biệt, phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy các triệu chứng nặng như: ngủ li bì, bỏ bú hay bú kém (bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường) với trẻ dưới 2 tháng, không uống được đối với trẻ trên 2 tháng, co giật, thở nghe có tiếng rít, khó thở, sốt cao liên tục trên ba ngày.

Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, đánh giá, TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung không lạnh như Hà Nội và miền Bắc nhưng lại có sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ban ngày và giữa đêm, gần sáng. Trong khi đó, trẻ em ở miền Nam đã quen với khí hậu nóng bức nên có sức đề kháng kém với cái lạnh, cũng như chủ quan, lơ là giữ ấm.

Mặt khác, người dân TP.HCM, miền Nam có thói quen ngủ quạt, máy lạnh. Vào đầu đêm, nhiệt độ còn cao nhưng đến giữa đêm, gần sáng nhiệt độ xuống thấp mà người dân lại bất cẩn quên tắt quạt, máy lạnh khiến cơ thể nhiễm lạnh.

Theo bác sĩ Loan: Khi thời tiết lạnh, để đề phòng bệnh hô hấp thì quan trọng nhất là phải giữ ấm và giữ vệ sinh cho trẻ; tối ngủ phải đắp mền, tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Những trẻ bị suyễn đang điều trị dự phòng thì phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Đồng thời, bác sĩ khuyên phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung trái cây giàu vitamin C để tăng sức đề kháng thì trẻ sẽ ít nhiễm bệnh. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc, dễ lây lan bệnh.

Nguyên Mi

>> Một người chết vì trời lạnh
>> Trời lạnh, nhiều người bị méo miệng
>> Phải “gảy đàn” do trời lạnh
>> Cao điểm bệnh hô hấp, nhiều ca biến chứng nặng
>> Trẻ ồ ạt nhập viện vì bệnh hô hấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.