Thế nào là ho ra máu?
Ho ra máu là hiện tượng ho ra máu tươi hoặc cục máu đông. Cũng có khi người bệnh chỉ thấy hiện tượng máu ra thành vệt lẫn trong đờm mà không thành bãi, thành cục, hiện tượng này cũng được gọi là ho ra máu. Có khi người bệnh phải ho khạc mạnh mới thấy máu, nhưng cũng có khi chỉ khạc nhẹ đã xuất hiện máu, hiện tượng này cũng được gọi là ho ra máu. Ho ra máu có khi có nguyên nhân từ khí phế quản, cũng có khi có nguyên nhân từ trong phổi. Tùy nguyên nhân mà mức độ và tính chất của bệnh có độ nguy hiểm khác nhau. Ở người trẻ, ho ra máu đã là một vấn đề đáng ngại, người cao tuổi còn đáng ngại hơn.
Hai nguyên nhân cần cảnh giác
Ho ra máu gặp trong nhiều bệnh như: giãn phế quản, lao, ung thư, rối loạn đông máu... Ở người cao tuổi, nguyên nhân chiếm tỷ lệ đáng kể và cần phải hết sức cảnh giác đó là do lao phổi và ung thư phổi. Bệnh lao có nhiều biểu hiện như: sốt về chiều kéo dài, mệt mỏi, gầy sút cân, ho, khó thở, khạc đờm, đờm khi thì trong, khi thì có mủ và ho ra máu... Khi được làm các xét nghiệm thì thấy tổn thương lao trên phim X-quang, phản ứng Mantoux dương tính (phản ứng miễn dịch của vi khuẩn lao), soi đờm, cấy đờm thấy vi khuẩn lao... Cũng có khi bệnh phức tạp hơn, phải thực hiện xét nghiệm PCR dịch phế quản mới thấy vi khuẩn lao. Điều đáng ngại của bệnh lao ở người cao tuổi là điều trị rất phức tạp vì hiện tượng sức đề kháng cơ thể giảm, liều lượng thuốc thường quá sức chịu đựng của cơ thể, cộng với hiện tượng vi khuẩn lao dễ kháng thuốc ở đối tượng này (lao kháng trị).
Vì vậy, ở những bệnh nhân này, khi có hiện tượng ho ra máu, cần phải được phát hiện lao càng sớm càng tốt. Thứ hai là ung thư phổi. Tần suất ung thư phổi ở người cao tuổi khoảng 6%. Bệnh ở giai đoạn tiềm ẩn trong một thời gian dài. Những triệu chứng thường gặp là: mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, gầy sút vô cớ, sốt nhẹ kéo dài dai dẳng, ăn kém, ho, ho ra máu, khó thở... Đến khi bệnh có biểu hiện rõ thì thấy: khó thở tăng và rõ rệt, ho ra máu điển hình... Làm các xét nghiệm thấy tổn thương dạng khối u trên phim X-quang, lấy dịch phế quản soi thấy các tế bào ác tính... Bệnh ung thư đến nay vẫn là một bệnh nan y nên giải pháp tốt nhất là phát hiện sớm để dự phòng.
Vì vậy, ở người cao tuổi, người già khi thấy biểu hiện ho ra máu thì cần tới một bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để được xác định nguyên nhân.
Bs Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)
Bình luận (0)