Cảnh báo sốt xuất huyết gia tăng, nhiều ca nặng từ đầu mùa

30/06/2019 20:33 GMT+7

Số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng, với nhiều trường hợp nặng và tử vong ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Bệnh tăng gấp đôi

Hôm qua (30.6), theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), số ca sốt xuất huyết nhập viện tại đây đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện bệnh viện phải kê thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng tại Khoa Nhiễm D (điều trị sốt xuất huyết cho người lớn), đã được tăng thêm 30 giường mà vẫn có bệnh nhân phải nằm hành lang.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đỉnh dịch sốt xuất huyết thông thường rơi vào tháng 8, 9, 10. Thế nhưng hiện nay, mới vào đầu mùa dịch, số lượng bệnh đã tăng cao, với nhiều ca nặng là điều đáng lo ngại, cần cảnh báo.
Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP.HCM, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía nam, trong tuần thứ 25 của năm 2019 (17-23.6), đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có tất cả 49.445 người mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2018 (20.707 người). Trong đó, TP.HCM là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.
Trong tuần cũng qua, cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và đã có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở các tỉnh phía nam từ đầu năm đến nay.

Chủ quan, không phát hiện bệnh sớm

Theo bác sĩ Phong, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện sớm, khi nhập viện đã có dấu hiệu chuyển nặng.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ hầu hết bệnh nhân không biết bị muỗi đốt khi nào. Bệnh diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt, thường là ngày thứ 4 sau khi phát bệnh, khiến bệnh nhân dễ chủ quan.
Ngoài ra, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc sốt xuất huyết, bệnh thường diễn tiến nặng hơn.
Các triệu chứng chuyển nặng của bệnh là giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Khoa Sốt xuất huyết đang có khoảng 50-60 bệnh nhi nằm viện mỗi ngày, trong đó có 2-3 ca biến chứng nặng.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 7 ngày nhưng nguy hiểm nhất là vào ngày thứ 3 đến thứ 6. Đây là thời điểm bệnh nhân giảm sốt nhưng lại dễ chuyến biến nặng, biến chứng. Khi thấy trẻ hết sốt, phụ huynh tưởng rằng con đã khỏi bệnh, thường chủ quan, rất nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sốt xuất huyết cần chú ý các dấu hiệu trở nặng như sau: mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi nhiều hơn, đau bụng, có nhiều dấu hiệu xuất huyết bất thường trên cơ thể ở ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói hoặc đi cầu ra phân đen, kèm theo tay chân lạnh, vật vã. Gặp các dấu hiệu trên, phải đến bệnh viện cấp cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.