Chứng ám ảnh… sợ

29/03/2009 22:00 GMT+7

Những dạng lo âu ám ảnh sợ Bạn Q.N, 21 tuổi, sinh viên năm thứ 4 của một trường ĐH dân lập ở TP.HCM đến Trung tâm tham vấn tâm lý (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) khám bệnh với lý do: 1 năm trở lại đây, bạn hay lo lắng, hồi hộp và hoảng sợ khi phải đối diện với một người lạ hay một đám đông nào đó.

N. cho biết, triệu chứng đó cứ ám ảnh trong suy nghĩ, luôn là mối bận tâm của cô. N. được chẩn đoán mắc chứng ám ảnh sợ đám đông, và những biểu hiện trên là những triệu chứng bệnh lý. Qua hỏi bệnh, bác sĩ nhận thấy, trước đó một năm N. hoàn toàn bình thường, là một phó bí thư chi đoàn lớp, rất nhiệt tình tham gia công tác phong trào của lớp, của trường, bạn còn là một ca sĩ của lớp.

Theo các nhà tâm thần học, có thể chia các rối loạn lo âu ám ảnh sợ thành các rối loạn như: ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ đặc hiệu (riêng lẻ), ám ảnh  cưỡng bức, và các rối loạn lo âu ám ảnh sợ khác... Mỗi dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ là một chẩn đoán riêng biệt và những triệu chứng để chẩn đoán khác nhau. Chính vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị đúng cần nắm vững chuyên môn.

Những biểu hiện cần lưu ý

Các triệu chứng về tâm lý, hành vi hoặc thần kinh tự trị như hoảng sợ, căng thẳng, bồn chồn, run... phải là những biểu hiện xuất hiện sau của một cơn lo âu. Lo âu, ám ảnh sợ phải khu trú hay chiếm ưu thế ở các hoàn cảnh xã hội đặc biệt, các đối tượng hay tình huống đặc biệt gây ám ảnh sợ. Ví dụ như ám ảnh sợ vật nhọn, súc vật, chỗ kín, sợ đến bác sĩ khám bệnh, ám ảnh sợ đặc hiệu, đám đông, quảng trường công cộng, chuyến đi xa khỏi nhà, và du lịch một mình. Những đối tượng này thường có sự sợ hãi dai dẳng và mãnh liệt trước những tác nhân gây sợ. Họ thường né tránh các tình huống gây ám ảnh. Bên cạnh đó người bệnh thường lo sợ một cách dai dẳng về tình trạng này mà không thể kiểm soát và không thể thoát ra khỏi nó được. Ví dụ, một người sợ bóng đêm thường không hiểu vì sao mình sợ, nhưng nỗi sợ đó cứ đeo bám họ suốt, không thoát ra được.

Nguyên nhân

Có nhiều quan điểm khác nhau lý giải vấn đề này. Tuy nhiên, khi xét các yếu tố nguyên nhân nảy sinh tình trạng lo âu ám ảnh sợ ở một bệnh nhân, các nhà tâm thần học thường xét trên cả ba góc độ sinh lý, tâm lý và xã hội. Lo âu ám ảnh sợ có liên quan đến các yếu tố giải phẫu thần kinh, các chất trung gian thần kinh, bên cạnh đó, di truyền cũng là một trong những yếu tố được xét khi nghiên cứu nguyên nhân của các rối loạn lo âu ám ảnh sợ. Nguyên nhân quan trọng nhất khi xem xét lo âu ám ảnh sợ đó chính là các yếu tố tâm lý, xã hội. Một bệnh nhân có lo âu ám ảnh sợ hoặc ám ảnh cưỡng bức thường trải qua một giai đoạn stress trầm trọng, hoặc một biến cố xã hội quan trọng nào đó trong cuộc đời. Bên cạnh đó, các bệnh nhân thường là những người có nhân cách yếu, ít trải qua những biến cố và khó tự mình giải quyết những nỗi sợ hãi. Đây chính là điều kiện thuận lợi khiến họ dễ rơi vào trạng thái rối loạn lo âu ám ảnh sợ.

Việc điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ cần phải phối hợp giữa các bác sĩ tâm thần và các chuyên gia tâm lý lâm sàng. Các nhà tâm lý lâm sàng thường triển khai các liệu pháp như hành vi nhận thức, thư giãn luyện tập, yoga, liệu pháp hệ thống... Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý thì việc phòng bệnh này mới là quan trọng. Do vậy việc tự giải quyết các yếu tố stress cần được ưu tiên, mỗi cá nhân cần tự xây dựng chế độ phòng vệ và ổn định về mặt tâm lý.

Lê Minh Công (BV Tâm thần T.Ư 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.