Theo Đông y, tinh thần bồn chồn, dễ tức giận, hay hờn khóc, có cảm giác đau, trong cổ như có vật gì ngăn lại, chóng mặt, mất ngủ... thường được quy về chứng uất. Theo lương y Phạm Như Tá, đây là bệnh thường gặp, nhất là ở phụ nữ và những người hay suy nghĩ, lo âu... Sách xưa có nói “Huyết khí điều hòa thì không có bệnh, khi uất ức thì bệnh tật phát sinh”. Uất ở đây có nghĩa là tích, trệ, uất, kết.
Nguyên nhân, chủ yếu do tình chí bị tổn thương, can khí hoành nghịch lên, ảnh hưởng đến tạng phủ, kinh mạch mà gây ra bệnh.
Với thể can khí uất kết – biểu hiện: tinh thần uất ức, hay tức giận, thở dài, ngực cảm thấy đầy, khó chịu, hông sườn đầy đau, ợ hơi, kém ăn thì phép trị là “Sơ can, lý khí, giải uất”, dùng bài thuốc gồm: bạch thược, chỉ xác, hương phụ, sài hồ (đều 8g), trần bì, xuyên khung (cùng 6g), và chích thảo 4g. Với thể khí trệ đàm uất – biểu hiện: trong họng cảm thấy như có vật gì ngăn nghẹn, nuốt không xuống, ngực đầy tức, sườn đau, rêu lưỡi trắng nhạt, phép trị “Hóa đờm, lý khí, giải uất”, dùng bài thuốc gồm các vị: bán hạ, phục linh, tía tô (đều 12g), hậu phác 8g, và 3 lát gừng.
Với thể tâm tỳ đều hư – biểu hiện: hay lo âu, buồn phiền, sợ hãi, hồi hộp, mệt mỏi, hay quên, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, sắc mặt không nhuận, thì phép trị là “Kiện tỳ, dưỡng tâm, ích khí, bổ huyết”, dùng bài thuốc gồm các vị: bạch linh, đương quy, toan táo nhân, viễn chí (đều 8g), bạch truật, nhân sâm, bắc kỳ, long nhãn (đều 10g), cam thảo, mộc hương (đều 6g).
Với thể ưu uất thương thần – biểu hiện: hoảng hốt, không yên, hay buồn lo, có lúc hay ngáp..., thì phép trị “Dưỡng tâm, an thần”, dùng bài thuốc gồm các vị: cam thảo 12g, đại táo 10 quả, tiểu mạch 40g.
Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào 4 chén nước, nấu còn 1 chén, cho nước thuốc ra. Nước nhì cho 3 chén nước vào tiếp, nấu còn nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Chi Mai
Bình luận (0)