Chuyên gia giải thích: Vì sao phải cách ly xã hội để ngăn Covid-19?

22/04/2020 04:06 GMT+7

Việt Nam và nhiều nước đã lần lượt thực hiện cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan. Chuyên gia giải thích tác dụng và cảnh báo hậu quả nếu cách ly xã hội thất bại, chủ quan sau nới lỏng cách ly.

Cách ly xã hội (hay giãn cách xã hội) là việc mà cả nước ta đã thực hiện trong thời gian qua để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19. Sau ngày 15.4, những địa phương có nguy cơ và nguy cơ cao vẫn tiếp tục cách ly xã hội đến ngày 22.4. Biện pháp cách ly xã hội đã thể hiện hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới bùng phát dịch bệnh Covid-19 cũng đã lần lượt thực hiện cách ly xã hội để khống chế dịch. Vậy bản chất của biện pháp này là gì? Vì sao cách ly xã hội giúp ngăn dịch bệnh Covid-19 lây lan?

Cập nhật sáng 22.4: Ngày thứ 6 liên tục Việt Nam không có ca Covid-19 mới

"Robinson ngoài hoang đảo"

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), giải thích: Khi virus đột biến lây từ động vật sang người gây ra một căn bệnh lạ, nếu người đó là Robinson sống ngoài hoang đảo thì sẽ chẳng ai bị ảnh hưởng ngoài chính bản thân anh ấy.
Khi đó, sẽ có hai tình huống xảy ra sau khi Robinson nhiễm bệnh: Thứ nhất là kháng thể của anh ta chiến thắng virus, Robinson sẽ khỏi bệnh và virus bị tiêu diệt. Hoặc thứ hai là virus chiến thắng và Robinson sẽ tử vong. Tuy nhiên, dù là ở tình huống nào thì virus cũng sẽ chịu chung một cái kết, đó là chúng không thể tồn tại và sản sinh ra thế hệ tiếp theo. Lý do là ở tình huống thứ nhất virus đã bị kháng thể của người bệnh tiêu diệt nên không thể sản sinh ra thế hệ tiếp theo; ở tình huống thứ hai khi người bệnh tử vong, virus cũng sẽ không tìm được tế bào sống nào để chui vào để sản sinh ra thế hệ con cháu. Căn bệnh chấm dứt sau khi xuất hiện một thời gian ngắn.
Khác với ngoài hoang đảo, nếu căn bệnh xuất hiện trong một cộng đồng thì một người đầu tiên nhiễm bệnh có thể sẽ lây truyền virus sang cho vài người tiếp xúc gần. Mỗi người trong những người mới nhiễm bệnh lại lây truyền cho vài người khác. Cứ như thế bệnh lây lan rộng trong cộng đồng sẽ tạo ra dịch bệnh. Như vậy, chủng virus gây bệnh không thể bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn vì chúng luôn tìm được tế bào sống ở người khác để sản sinh ra thế hệ kế tiếp.
Khi dịch bệnh bùng phát, chỉ sau một thời gian dài hoành hành thì có thể virus mới dần bị tiêu diệt khi đã có rất nhiều người trong cộng đồng khỏi bệnh. Lý do là những người khỏi bệnh đã có kháng thể chống lại virus sẽ tạo ra lá chắn, miễn dịch cộng đồng, chống lại sự lây lan của virus. Tuy nhiên, khi đó, đã có quá nhiều người tử vong vì dịch bệnh, theo bác sĩ Hùng.
Tại Việt Nam, sau giai đoạn một, công tác chống dịch đã bước đầu thành công khi chúng ta có thể khoanh vùng kiểm soát khi có ca bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, đến giai đoạn hai, xuất hiện nhiều nguồn lây mới và dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, mất dấu của F0.
Không biết ai là F0 có nghĩa là người đó âm thầm lây bệnh cho người khác mà không ai biết, cũng có nghĩa là bất cứ ai quanh ta cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh. Như vậy, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác.
Bên cạnh đó, nhiều phát hiện cho thấy Covid-19 có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm không triệu chứng; thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày; xuất hiện những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị; chưa có vắc xin và thuốc đặc trị.
Chính vì vậy, cách ly xã hội (hay giãn cách cộng đồng) là biện pháp quan trọng được áp dụng, là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tái hiện như trường hợp nhiễm bệnh của Robinson. Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân tốt thì mỗi người đang tự tạo cho mình một hoang đảo để sống, để triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, lây lan dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc.
Vậy cách ly xã hội là chìa khóa ngăn chặn dịch bệnh mà không cần dược phẩm trong giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Không chủ quan khi nới lỏng cách ly

Bác sĩ Hùng cũng nhận định: Cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội khác.
Mặt khác, toàn bộ người dân phải thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày, cũng không phải dễ thực hiện.
Cộng đồng nào không đồng lòng thực hiện việc giãn cách xã hội thì virus vẫn còn có kẽ hở tồn tại và tiếp tục lây lan trong những nhóm người không thực hiện. Đó là nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại khi cách ly xã hội được nới lỏng. Vì vậy, mọi người không được chủ quan trong phòng dịch.
Khi biện pháp cách ly xã hội thất bại thì con đường duy nhất là phải dựa vào miễn dịch cộng đồng thụ động. Như thế sẽ có hậu quả nặng nề về số người mắc bệnh, số người tử vong, cũng như chi phí khủng khiếp để giải quyết hậu quả của dịch bệnh.
Vì vậy, thực hiện tốt và nghiêm túc cách ly xã hội là biện pháp hiệu quả để khống chế, ngăn dịch bệnh Covid-19. Sau cách ly xã hội, người dân vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.