Coi chừng áp-xe vú!

17/05/2008 21:30 GMT+7

Cả đại gia đình chị P.K đều tiếc cho chị khi biết các bác sĩ quyết định cho chị dùng thuốc ngắt sữa để điều trị dứt điểm áp-xe vú. Bởi vì chị may mắn có nguồn sữa vừa nhiều, vừa đặc. Sữa chị nhiều đến mức chị cho con 1 tháng tuổi bú không hết, lại cho cả cháu hơn 1 tuổi bú mà mỗi ngày vẫn vắt ra được từ 500 đến 700 ml. Chị P.K thì vừa khóc như mưa vừa thầm trách mình vì trước đó đã coi nhẹ căn bệnh này.

Lúc đầu chị P.K chỉ thấy có một cục nhỏ cứng cứng trên vú. Hơi khó chịu nhưng chị cũng không chú ý lắm, vẫn cho con, cho cháu bú và dùng dụng cụ hút sữa bằng tay hút sữa thừa bình thường như mọi ngày. Chỗ cứng cứng mỗi ngày một to và cứng hơn. Chị P.K bắt đầu cảm thấy hơi đau và khó chịu. Mẹ và người nhà khuyên nên lấy lược chải lên vú cho sữa thông. Chỗ cứng vẫn cứng nguyên, mọi người lại khuyên lấy nước nóng già chườm lên cho chỗ cứng tan. Nó vẫn không tan. Mọi người lại khuyên lấy cao dán dán vào, rồi uống nước lá đinh lăng, lấy cơm nếp chườm, uống lá bồ công anh, lấy lá mít đắp...

Mọi bài thuốc dân gian cứ như trêu ngươi, chỗ cứng vẫn ngày một to và ngày một nhức nhối. Chị P.K đến bệnh viện phụ sản T.Ư và bệnh viện Việt - Pháp và được định là áp-xe vú và sau đó chuyển sang bệnh viện K để mổ. Mổ xong, chị P.K phải tiêm moóc-phin, liên tục truyền thuốc giảm đau, chườm nước ấm, day vú cho mềm, chiếu tia hồng ngoại và lại xoa, bóp, nặn và dùng cả máy để hút sữa và đặt ống dẫn dịch trong vú chị để dẫn sữa, dịch ra ngoài... tình hình mới khả quan hơn. Suốt quá trình chữa trị, chị P.K đã tốn khoảng 45 triệu đồng mà bên vú bị áp-xe vẫn có cục cứng.

Do viêm tắc tuyến sữa rất nguy hiểm nên ngay khi có dấu hiệu tắc tia sữa người mẹ cần xoa bóp để hút, nặn hết sạch sữa ra và nên nhờ bác sĩ can thiệp ngay.  

Hải Nguyệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.