Cục máu đông nguy hiểm cỡ nào mà dễ gây đột quỵ chết người đến vậy?

Thiên Lan
Thiên Lan
03/01/2021 00:09 GMT+7

Việc đông máu là quan trọng để ngăn ngừa chảy máu quá nhiều nếu bị thương hoặc đứt.

Tuy nhiên, khi cục máu đông chặn dòng máu đến các vùng quan trọng của cơ thể, nó có thể gây hại, thậm chí gây tử vong, theo Cleveland Clinic.
Cục máu đông có thể xảy ra ở tay và chân, bụng (dạ dày), tim, phổi, não và thận.
Cục máu đông có thể nằm ở một chỗ hoặc di chuyển khắp cơ thể. Các cục máu đông di chuyển đặc biệt nguy hiểm. Cục máu đông có thể hình thành trong động mạch hoặc tĩnh mạch.

Những người có lượng sắt trong máu thấp có nguy cơ cao mắc các cục máu đông nguy hiểm, như trường hợp của Maradona

Ảnh: Shutterstock

Cục máu đông nào nguy hiểm nhất?

Bất kỳ cục máu đông nào hình thành trong động mạch hoặc tĩnh mạch đều nguy hiểm.
Nên gọi cấp cứu ngay lập tức nếu nghi ngờ có cục máu đông.
1. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Cục máu đông hình thành ở một trong những tĩnh mạch lớn hơn của cơ thể được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.
Khi cục máu đông vỡ ra và bắt đầu di chuyển trong dòng máu có thể gây hại.
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất về cục máu đông là khi huyết khối tĩnh mạch sâu di chuyển đến phổi và bị mắc kẹt. Tình trạng này, gọi là thuyên tắc tĩnh mạch phổi, có thể làm máu ngừng chảy và hậu quả có thể rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, theo Cleveland Clinic.

2. Cục máu đông ở động mạch não

Các cục máu đông trong động mạch não gây ra đột quỵ.

3. Cục máu đông ở động mạch tim

Các cục máu đông hình thành trong các động mạch tim, gây ra các cơn đau tim.
Các cục máu đông cũng có thể hình thành trong các mạch máu ở bụng, gây đau bụng hoặc buồn nôn và nôn.

Ai có nguy cơ bị cục máu đông cao nhất?

Một số yếu tố nguy cơ khiến một số người có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.
• Trên 65 tuổi: Càng lớn tuổi càng dễ bị cục máu đông, đặc biệt trên 65 tuổi.
• Thời gian nằm viện lâu, phẫu thuật và chấn thương có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đông máu.
• Thiếu máu do thiếu sắt
Nghiên cứu mới cho thấy nồng độ sắt trong máu thấp làm tăng nguy cơ đông máu.
Những người có lượng sắt trong máu thấp có nguy cơ cao mắc các cục máu đông nguy hiểm, như trường hợp của Maradona, theo Express.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ở mức độ thấp hơn, bao gồm:
• Uống thuốc tránh thai hoặc bổ sung nội tiết tố.
• Mang thai.
• Bị ung thư, hoặc đã được điều trị ung thư.
• Có tiền sử gia đình về cục máu đông hoặc dễ bị đông máu.
• Bị mắc virus Corona.
• Thừa cân hoặc béo phì.
• Lối sống ít vận động.
• Hút thuốc lá.

Các triệu chứng phổ biến nhất của cục máu đông là gì?

Một số người có thể không gặp triệu chứng nào.
Nhưng đa số đều có triệu chứng, tùy vào vị trí hình thành cục máu đông mà các triệu chứng có thể khác nhau, theo Cleveland Clinic.
• Ở bụng
Các cục máu đông ở vùng bụng có thể gây đau hoặc buồn nôn và nôn.
• Ở cánh tay hoặc chân
Cục máu đông ở chân hoặc cánh tay có thể gây đau hoặc mềm khi chạm vào. Sưng, tấy đỏ là những dấu hiệu phổ biến khác của cục máu đông.
• Ở não
Cục máu đông trong não gây ra đột quỵ, có thể gây ra nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào phần nào của não bị ảnh hưởng.
Những cục máu đông này có thể gây ra các vấn đề về nói hoặc nhìn, không thể cử động hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể và đôi khi co giật.
• Ở tim hoặc phổi
Cục máu đông trong tim sẽ gây ra các triệu chứng của cơn đau tim như đau tức ngực, đổ mồ hôi, đau lan xuống cánh tay trái hoặc khó thở.
Cục máu đông trong phổi có thể gây đau ngực, khó thở và đôi khi có thể dẫn đến ho ra máu, theo Cleveland Clinic.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.