Cứu sống thai phụ nhiễm trùng huyết, thai chết lưu 18 tuần, suy thận cấp

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/08/2020 08:06 GMT+7

Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa cứu sống một thai phụ nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết, thai chết lưu 18 tuần, rối loạn đông máu nặng, lao phổi, choáng nhiễm trùng biến chứng suy gan cấp, hôn mê gan, suy thận cấp.

Ngày 11.8, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân suy đa cơ quan do choáng nhiễm trùng nặng kèm nhiều bệnh lý nội khoa nguy hiểm.
Trước đó, bệnh nhân H. (35 tuổi, ngụ H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nhiễm trùng huyết, thai 18 tuần chết lưu đã vỡ ối, rối loạn đông máu nặng, lao phổi đang điều trị. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn chuyên khoa xử lý thai lưu và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng suy hô hấp cấp phải thở ô xy qua mặt nạ có túi khí dự trữ.
Tuy nhiên, sau 12 giờ điều trị nội, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, vàng da, mắt vàng sậm, suy hô hấp cấp mức độ nặng, huyết áp thấp, vô niệu; tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng biến chứng suy gan cấp biến chứng hôn mê gan, suy thận cấp, thai lưu 18 tuần, lao phổi đang điều trị, bạch cầu kinh dòng tủy. Bệnh nhân có chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu xen kẽ thay huyết tương cho bệnh nhân.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã truyền cho bệnh nhân 80 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 6 đơn vị khối tiểu cầu và 10 đơn vị khối hồng cầu để thay huyết tương 3 lần; đồng thời lọc máu liên tục trong 82 giờ.
Sau thời gian điều trị tích cực, đầy khó khăn theo kết quả kháng sinh đồ, điều trị lao phổi… bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi dần.

Bệnh nhân được lọc máu liên tục trong 82 giờ

Ảnh Đình Tuyển

Tới sáng 11.8, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, bớt vàng da, sinh tồn ổn định. Xét nghiệm chức năng gan, thận, đông cầm máu, số lượng tiểu cầu dần hồi phục về các chỉ số bình thường.
Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trường hợp bệnh nhân trên tình trạng diễn biến xấu rất nhanh, nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời, rất khó có thể cứu sống bệnh nhân.
“Chỉ riêng biến chứng suy gan cấp được xem là biến chứng rất nặng dù bệnh nhân được can thiệp lọc máu liên tục thì tỉ lệ tử vong vẫn ở mức cao 60,9%”, BS Phước nói.
Theo BS Phước, hiện điều trị suy gan cấp bằng liệu pháp thay huyết tương mang lại hiệu quả tốt và được sử dụng rộng rãi. Cụ thể, khi thay huyết tương trong suy gan cấp sẽ giúp loại bỏ các chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa nâng đỡ gan trong lúc chờ đợi hồi phục gan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.