Đặt stent trong lòng stent cứu bệnh nhân ung thư gan bị bệnh viện 'trả về'

22/05/2020 17:20 GMT+7

Bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối , đã điều trị ở một số bệnh viện và bị “trả về”. Không đầu hàng, người nhà tiếp tục tìm nơi điều trị và ông được phẫu thuật đặt stent trong lòng stent để duy trì sự sống.

Hôm nay (22.5), thạc sĩ - bác sĩ (Ths.BS) Nguyễn Thế Toàn, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), cho biết về trường hợp bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối đã được áp dụng kỹ thuật mới, phức tạp là đặt stent trong lòng stent để duy trì sự sống.
Bệnh nhân L.Đ.C (81 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng vàng mắt, vàng da, suy kiệt.
Ông C. bị ung thư gan giai đoạn cuối, trước đó đã điều trị tại một số bệnh viện. Bệnh nhân cũng từng được làm dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da nhưng sau đó bị tụt ống dẫn lưu, đã cố gắng đặt stent 2 lần nhưng không thành công và được xuất viện về nhà.
“Còn nước còn tát”, người nhà vẫn kiên trì tìm kiếm bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa giỏi để đưa ông đi khám, điều trị.
Sau đó, ông C. được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Gia An 115. 
Tại đây, qua các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân C. được chẩn đoán bị tắc mật do u gan trái xâm lấn ống mật chủ. Bác sĩ Toàn đã tiến hành kỹ thuật nội soi mật - tụy ngược dòng và đặt thành công 2 stent kim loại đường mật cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng stent hoạt động ổn định. Tình trạng bệnh được cải thiện, gần như hết vàng da, vàng mắt.

Sức khỏe bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối được cải thiện, tiếp tục duy trì sự sống sau hai lần đặt stent

Ảnh: Khải Linh

Tuy nhiên, khối u (ung thư gan) vẫn tiếp tục xâm lấn khiến thể trạng bệnh nhân suy kiệt. Sau 4 tháng đặt stent lần thứ nhất, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u gan trái của bệnh nhân đã xâm lấn qua gan phải, xâm lấn ống mật chủ, ống gan chung và xâm lấn cả hai stent đã đặt trước đó.
“Bệnh nhân lớn tuổi, lại bị ung thư giai đoạn cuối, thể trạng suy kiệt, tiên lượng nặng nhưng nếu không can thiệp kịp thời, tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa”, bác sĩ Toàn đánh giá.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật phức tạp là đặt hai stent mới trong lòng hai stent cũ để tái thông đường mật, bảo vệ tính mạng người bệnh, với sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA).
Ca phẫu thuật thành công. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân được cải thiện.
Bác sĩ Toàn chia sẻ: Stent giúp tái lưu thông dịch mật từ gan xuống tá tràng, ngăn ngừa các biến chứng do tắc mật, giúp kéo dài thời gian sống cũng như chất lượng sống của người bệnh ung thư gan. Với những người bệnh ung thư giai đoạn cuối, chỉ cần người bệnh và người nhà còn hy vọng, các bác sĩ sẽ nỗ lực hết mình để mở thêm những cánh cửa, giúp người bệnh sống lâu hơn, với chất lượng sống tốt hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.