Đủ dạng dị ứng!
Mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, chị Nguyễn Thị Kim Quyên (Việt kiều Canada) phải luôn mang theo trong người mấy ống tiêm được làm sẵn thuốc bên trong. Sở dĩ phải mang theo thuốc như vậy, vì đứa con trai 6 tuổi của chị bị dị ứng với đậu phộng. Mà không phải dị ứng đơn thuần, thằng bé có thể bị tử vong rất nhanh (do dị ứng kích thích gây phù nề đường thở, làm suy hô hấp cấp...) nếu ăn phải đậu phộng! Chị luôn "canh" thằng bé rất kỹ, vì sợ nó đi chơi ăn nhằm thức ăn có đậu phộng thì nguy!
Còn con gái của chị H.N (ở TP.HCM) thì dị ứng nghiêm trọng với bông tai từ nhỏ. Đến nay cháu đã 12 tuổi, muốn đeo bông tai cho đẹp, nhưng không thể, vì mỗi khi đeo vào, vài hôm sau là bị sưng đỏ, ngứa và lở loét chỗ tiếp xúc với bông tai!
Một trường hợp bị dị ứng bởi nút quần jean. Ảnh: Khánh Vy |
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - Trưởng khoa Điều trị II (Bệnh viện Da liễu TP.HCM): "Nói về dị ứng thì rất phức tạp! Có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng, từ những nguyên nhân bên trong cơ thể, cho đến những tác nhân gây dị ứng ở bên ngoài. Dị ứng do tác nhân bên ngoài như: tiếp xúc với chất nào đó gây dị ứng, hay đi nắng... Nguyên nhân bên ngoài dễ tìm ra hơn. Còn dị ứng do nguyên nhân bên trong như: ăn uống đồ biển, uống bia, rượu, dị ứng với đậu phộng, hay ăn những thực phẩm lên men... dị ứng do nguyên nhân bên trong phức tạp hơn, khó tìm ra hơn. Ngoài ra, phần lớn bị dị ứng không tìm được nguyên nhân (chiếm khoảng 80%)".
Nhiều người bị dị ứng với dây chuyền, bông tai, đồng hồ, khiến họ không thể sử dụng được; có người dị ứng với cái nút quần jean làm cho lở loét cả một vùng xung quanh rốn khi mặc quần (trường hợp này rất hay gặp) - đây là nhóm dị ứng với kim loại, mà cụ thể là do chất niken có trong kim loại gây nên; có người dị ứng do lạnh hoặc nóng mỗi khi thay đổi thời tiết, biểu hiện bằng nổi những nốt trên người, gây ngứa khó chịu - đây là dị ứng theo mùa, thường mùa lạnh thì dễ bị hơn; có người thay đổi chỗ ở, môi trường làm việc cũng bị dị ứng; có người dị ứng do giun sán; dị ứng với hoa, nước hoa; với xi măng; với thuốc trị bệnh; có người dị ứng với trứng... Mề đay cũng là một bệnh dị ứng do những nguyên nhân: thức ăn, thuốc, nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Người ta ghi nhận, bệnh dị ứng có yếu tố di truyền. Cha, mẹ có cơ địa dị ứng, thì con cái họ cũng dễ bị dị ứng (chẳng hạn như bệnh chàm).
Điều trị
Vùng da tay là nơi rất dễ bị dị ứng với xà bông, chất tẩy rửa. Ảnh: Khánh Vy |
Các bác sĩ lưu ý, những người có cơ địa dễ bị dị ứng, ngoài việc "chú ý" với đồ biển; thức ăn lên men; đậu phộng; hạn chế sử dụng xà bông thơm để tắm, vì hương thơm là từ hóa chất (nên dùng sữa tắm hoặc xà bông ít mùi thơm)... còn cần tránh để bị táo bón (vì táo bón cũng là nguyên nhân gây dị ứng, ngứa). Và điều lưu ý nữa là khi đi khám, chữa một bệnh nào đó, cần báo cho bác sĩ biết cơ địa mình dễ bị dị ứng, để bác sĩ tránh sử dụng những thuốc dễ gây dị ứng. Ngoài ra, không được lạm dụng, hay tự ý sử dụng thuốc khi bị dị ứng, nhất là những dạng thuốc bôi ngoài da có chứa corticoide, vì dễ dẫn đến nhiều tác dụng phụ, hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn...
Thanh Tùng
Bình luận (0)