Từ hàng chục ngàn năm trước, con người đã biết thuần hóa vật nuôi để đem lại lợi ích cho mình. Thời gian trôi qua, Vện, Mun, Mướp... thật sự đã trở thành những người bạn trung thành của chúng ta. Nhưng khổ một nỗi, "em" nào cũng nhiều lông và tiềm ẩn hàng núi rắc rối đối với những ai dễ bị dị ứng.
Khi cục cưng là hung thủ
PGS-TS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM cho biết những người bị dị ứng với vật nuôi là do hệ miễn dịch không thăng bằng, bị lệch về hướng gây phản ứng khi bị kích thích bởi dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng, trong trường hợp này là lông, vảy, da tróc, nước bọt, chất bài tiết của vật nuôi), gọi chung là có cơ địa dị ứng. Thông thường, trẻ em dễ bị dị ứng hơn người lớn và trong số các vật nuôi thì mèo gây dị ứng nhiều nhất.
Triệu chứng thường thấy của một bệnh nhân dị ứng với vật nuôi là sau khi tiếp xúc với chúng sẽ bị chàm, viêm mũi dị ứng, bị lác sữa (ở trẻ em), nổi mề đay, thậm chí trường hợp nặng có thể bị phù quinck (mặt mũi bị sưng phù). Ở những trường hợp nhạy cảm, thậm chí không trực tiếp nuôi hoặc tiếp xúc với con vật (đặc biệt là mèo), bệnh nhân vẫn có thể bị ảnh hưởng. Một em bé bị hen (có nguồn gốc từ dị ứng với mèo), ngồi cạnh một người có nuôi mèo sẽ có nguy cơ bị lên cơn. Một trường hợp khác mà BS Tuyết Lan thường gặp là bệnh nhân đến khám than phiền việc thường bị dị ứng do… hàng xóm nuôi chó mèo nhiều, lông và các chất bài tiết bay sang nhà, không sao tránh khỏi.
Những người có cơ địa dị ứng rất dễ dẫn đến bệnh hen suyễn. 50% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có thể phát bệnh này. Ngoài ra, nếu cha hoặc mẹ là người bị hen suyễn hoặc có cơ địa dị ứng thì con cái cũng rất dễ bệnh tương tự nên cần phải cẩn thận khi nuôi vật cưng trong nhà.
Phòng bệnh và điều trị
Với những người từng nghi ngờ có tiền căn dị ứng với vật nuôi thì việc nên nuôi hay không chó mèo tại nhà hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tốt nhất khi đã có cơ địa dị ứng hoặc bị hen suyễn thì trong nhà không nên có vật nuôi. Nếu tình cảm đã quá đậm đà đến mức nhất định phải giữ Kiki hay Miumiu ở lại, mà gia đình bạn lại có người bị dị ứng với thú cưng trong nhà thì cần có nhiều biện pháp "sống chung với lũ" như: tuyệt đối không cho chúng vào phòng ngủ; thường xuyên tắm cho chó, mèo bằng nước ấm; dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ…
Nếu bạn đột nhiên có những biểu hiện của dị ứng như chảy mũi, choáng váng, nổi mề đay, sưng phù… thì hãy cố gắng "nhớ " lại những gì đã ăn uống, tiếp xúc trước đó để khi đi khám bác sĩ có thể kể lại, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Hiện nay đã có nhiều thuốc chống dị ứng có công dụng tốt nhưng muốn hiệu quả thật sự phải tìm ra được dị nguyên, đây là điều không dễ dàng vì nguyên nhân gây dị ứng rất đa dạng và khó xác định cụ thể. Biết được dị nguyên mới có thể điều trị miễn dịch đặc biệt (như nhỏ dị nguyên dưới lưỡi).
Ở Hà Nội, bạn có thể đến điều trị những vấn đề về hệ miễn dịch tại BV Bạch Mai. Ở TP.HCM hiện chưa có chuyên khoa, nếu do dị ứng mà bạn bị nổi chàm, mề đay thì có thể đến khám tại khoa da liễu; bị hen suyễn thì khám tại khoa hô hấp, bị viêm mũi dị ứng khám ở khoa tai mũi họng hoặc hô hấp…
Chuyện nhà Obama
Trước khi đắc cử, tổng thống Mỹ Barack Obama từng hứa với 2 cô con gái là sẽ tặng chúng một chú cún cưng khi vào Nhà Trắng sống. Sau khi thành tổng thống Mỹ, Obama muốn giữ lời hứa nhưng ông lại vấp phải một lo lắng khác là cô con gái đầu Malia bị dị ứng với một số loại chó mèo. Cuối cùng Obama cũng có một giải pháp làm vui lòng con gái và không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Đó là một chú chó thuộc giống Cão de Água (theo tiếng Bồ Đào Nha là chó nước và được người Mỹ gọi là Portuguese Water Dog). Sở dĩ gọi theo cái tên như vậy vì giống chó này bơi rất giỏi và xuất xứ từ vùng Algarve (Bồ Đào Nha). Cư dân vùng Algarve từ xa xưa đã biết huấn luyện loài chó này để phục vụ việc… bắt cá. Chi tiết đấy là đủ để chứng tỏ giống chó này khôn ngoan và chúng thân thiện với con người. Một ưu điểm nữa của loài chó này là chúng ít rụng lông hơn các loài khác nên giảm thiểu được nguy cơ dị ứng từ lông chó. Cẩn thận với... thú nhồi bông Không chỉ thú nuôi, thú nhồi bông cũng có thể gây dị ứng vì bên trong có thể có con mạt nhà (mắt thường không thấy). Phân của mạt là dị nguyên gây bệnh suyễn đã được khẳng định. Ngoài ra, thú rừng nhồi bông cũng có thể là mối nguy hại với những người có cơ địa dị ứng vì lông, vảy và các hóa chất xử lý cũng là những dị nguyên tiềm ẩn. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)